Bộ Tài chính mới ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo dự thảo sửa đổi, giá cơ sở của xăng E5 bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {(95 % thể tích xăng RON 92 thành phẩm nhân (x) Giá CIF xăng RON 92 thành phẩm cộng (+) Thuế nhập khẩu ) nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) 5 % thể tích E100 nhân (x) Giá bán E100} cộng (+)Thuế tiêu thụ đặc biệt (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó, giá CIF được tính bằng giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng với các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam bao gồm phí bảo hiểm cộng cước vận tải về đến cảng Việt Nam cùng các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong khâu nhập khẩu (nếu có); trong đó phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam được căn cứ theo mức trung bình tiên tiến phát sinh thực tế tại các thương nhân đầu mối.
Định kỳ hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm rà soát biến động của các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam, chi phí phối trộn xăng sinh học E5 và tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) chậm nhất trước ngày 31/3 của năm tài chính kế tiếp.
Đối với giá bán etanol E100 định kỳ hàng Quý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh etanol E100 có trách nhiệm rà soát biến động các khoản chi phí và gửi thông báo/kê khai giá bán E100 về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất Etanol biến tính E100, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, khảo sát thực tế (nếu cần thiết) để có điều chỉnh cho phù hợp.
Dự thảo thông tư cũng quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu) để tính giá cơ sở theo mức tối đa.
Theo đó, chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng khoáng là 1.050 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với xăng sinh học E5 là 1.250 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu diezen, dầu hỏa là 950 đồng/lít và chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu mazut là 600 đồng/kg.
Dự thảo Thông tư quy định chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với xăng sinh học E5 là 1.250 đồng/lít. (Ảnh minh họa: KT)
|