Dành 80% kinh phí hỗ trợ người dân
Dự án đường Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi); là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tổng mức đầu tư được duyệt cho Dự án là 7.779 tỷ đồng. Trong đó 6.009 tỷ đồng phục vụ GPMB; Chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng khối lượng phát sinh cũng như trượt giá vào hơn 920 tỷ đồng; Chi phí xây lắp toàn bộ đoạn tuyến Vành đai 1 từ Hoàng Cầu - Voi Phục cùng 2 cầu vượt qua các nút giao: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ - Láng Hạ và các hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước đồng bộ chỉ có 785 tỷ đồng.
Đại diện chủ đầu tư - Trưởng phòng GPMB, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Tấn Nam An thông tin: "Sở dĩ chi phí GPMB cao như vậy vì do đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 quận lõi (Ba Đình và Đống Đa), nơi giá trị đất được tính cao vào loại nhất nhì của TP nên chi phí hỗ trợ, bồi thường, GPMB rất cao” - ông An khẳng định. Mặt khác, nếu so với tuyến đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, chỉ có 24 % diện tích GPMB là nhà dân thì đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục có tới 55% diện tích cần GPMB là nhà dân. Ngay trong Dự án Vành đai 1, đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu phần lớn là đất lấn chiếm, không có sổ đỏ trong khi đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục lại hầu hết là đất đã được xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp. Chí phí đầu tư có thể thấp hơn
Đại diện Chủ đầu tư đoạn tuyến Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, cho biết, tổng mức đầu tư được duyệt mới chỉ là dự toán, và tất cả các chi phí đã được tính “kịch trần”. Con số 6.009 tỷ đồng GPMB đã bao gồm cả hơn 2.300 căn hộ tái định cư được TP sắp xếp cho 2.328 hộ dân trong phạm vi Dự án. Ông Nguyễn Tấn Nam An phân tích: “Trong trường hợp tất cả các hộ dân đều mua nhà tái định cư do TP sắp xếp thì chi phí dự án sẽ được khấu trừ trực tiếp cho ngân sách TP, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với dự toán”. Còn đối với những hộ dân tự tái định cư, không mua căn hộ theo tiêu chuẩn sẽ được trả bằng tiền mặt và hỗ trợ thêm 6.800.000 đồng/hộ/m2. Ngoài ra, chi phí GPMB còn có được tính bao gồm cả phần di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi trong phạm vi Dự án.
Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo thông tin thêm, do trên đoạn tuyến có 2 cầu vượt qua các nút giao: Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ - Láng Hạ nên chi phí xây lắp cũng cao hơn so với một số Dự án khác. Ông Bảo nhấn mạnh: “Trong báo cáo được các bộ, ngành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đã thể hiện đầy đủ các hạng mục đầu tư của Dự án và được phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Sỹ Bảo cũng khẳng định, chi phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB đã được thực hiện theo khung giá đất quy định của TP tại Quyết định số 96/2014/QĐ - UBND ban hành ngày 29/12/2014. “Tính ra số tiền trên mỗi mét đường của Dự án đúng là không nhỏ. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, đó xuất phát từ thực tế khách quan, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân trong quá trình thực hiện Dự án” - ông Nguyễn Sỹ Bảo chia sẻ.
Dự kiến, mức hỗ trợ, bồi thường GPMB về đất sẽ từ khoảng 21 - 74 triệu đồng/m2; về nhà ở từ 4,4 - gần 6 triệu đồng/m2 (chưa tính hệ số K). Hỗ trợ di chuyển 5 triệu đồng/hộ; thuê nhà tạm cư 6 triệu đồng/hộ/tháng. Các cơ quan và hộ gia đình sớm bàn giao mặt bằng còn được thưởng thêm từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp.