Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính: Phải triệt tiêu các chi phí không chính thức

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) tổ chức họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 -  Ảnh: VGP

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.

Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa hoàn toàn tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng từ Chính phủ vì còn nhiều hoạt động hậu kiểm vẫn đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép”, vì thế không giúp được gì cho mục tiêu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp...

Nhóm nghiên cứu APCI cho rằng, mặc dù kết quả qua 2 năm phản ánh có sự tiến bộ nhất định trong việc cắt giảm chi phí không chính thức, tuy nhiên, đây vẫn là một trong bốn vấn đề trọng tâm được báo cáo nêu ra như là bài học để tiếp tục thúc đẩy cải cách vì chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Một trong những khuyến nghị mà Báo cáo APCI 2020 đưa ra và nhấn mạnh là “Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử trong việc thực hiện các TTHC, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường phương thức giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp qua môi trường mạng trên nền tảng các hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ, liên thông”.

Thực tế kết quả khảo sát cho thấy, đẩy mạnh điện tử hoá TTHC là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực đã và đang triển khai điện tử hoá. Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đặc biệt trong bối cảnh Dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân TTHC bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Báo cáo APCI 2020 tiếp tục đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các TTHC, qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, Báo cáo APCI 2020 có thể được sử dụng như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách TTHC ở cấp trung ương (cấp ban hành chính sách) và cấp địa phương (cấp thực thi) nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, chất lượng quản trị công của bộ máy hành chính nhà nước các cấp.