Chỉ số Gia nhập thị trường tại Hà Nội: Cần có thêm hành động cụ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đạt điểm số cao nhất (7,56 điểm) trong vòng 3 năm trở lại đây, nhưng chỉ số gia nhập thị trường của Hà Nội vẫn xếp chót bảng năm 2015.

Đây là sự cảnh báo đòi hỏi TP cần có những giải pháp và hành động quyết liệt hơn để cải thiện môi trường kinh doanh.

Đã có nhiều nỗ lực

Theo Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 141/KH-UBND về nâng cao chỉ số PCI của Hà Nội năm 2015 của Sở KH&ĐT, năm 2015, TP đã có rất nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện trực tiếp chỉ số gia nhập thị trường. Riêng trong lĩnh vực đăng ký thành lập DN, Hà Nội đã thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới DN từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày 1/1/2015. Với kết quả này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới DN và trước 6 tháng theo quy định của Luật DN năm 2014. Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay, để triển khai công tác này, TP đã chỉ đạo Sở KH&ĐT thực hiện rà soát, chỉnh sửa lại quy trình giải quyết đối với thủ tục thành lập DN và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực cho bộ phận đăng ký kinh doanh; xây dựng, cải thiện quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan là Sở KH&ĐT và Cục Thuế TP Hà Nội trong việc cấp mã số DN.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cục Thuế Hà Nội cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét cắt giảm 61 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 76 TTHC thuế, đồng thời đề xuất 55 kiến nghị với Tổng cục Thuế phương án đơn giản hóa các quy định của quy trình quản lý thuế. Qua đó góp phần rút ngắn thời gian nộp thuế của DN còn 117 giờ/năm, vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm.

Một kết quả đáng ghi nhận khác: Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu nộp hồ sơ kê khai qua mạng do Tổng cục Thuế giao, và vượt chỉ tiêu (cả về tỷ lệ và thời hạn) tại Nghị quyết số 19/NQ-CP. Tính đến ngày 27/11/2015, đã có 106.778 DN kê khai qua mạng, đạt tỷ lệ 98,08% DN, chiếm gần 1/5 tổng số DN của cả nước kê khai qua mạng.

Về nộp thuế điện tử, đến ngày 28/9/2015, Hà Nội đã hoàn thành trước 2 ngày so với thời hạn Chính phủ giao. Đến ngày 28/10/2015 đã có 102.733 DN đăng ký nộp thuế điện tử, đạt 96,3% số DN đang hoạt động, chiếm trên 1/5 số DN nộp thuế điện tử cả nước; rút ngắn thời gian nộp thuế của DN còn 117 giờ/năm…

Cũng theo báo cáo của Sở KH&ĐT, thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, trong năm 2015, UBND TP đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC đối với 12 TTHC, số chi phí tiết giảm, lợi ích đem lại cho tổ chức, cá nhân trên 7,8 tỷ đồng/năm.

Và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh

Nếu như năm 2013, chỉ số gia nhập thị trường của Hà Nội là 7,08 điểm, năm 2014 là 7,19 điểm, thì đến năm 2015 đạt 7,56 điểm (TP Hồ Chí Minh là 7,57 điểm).

Có thể thấy rõ về mặt điểm số, Hà Nội đã có cải thiện rõ rệt, năm 2015 tăng 0,48 điểm, trong khi TP Hồ Chí Minh tăng 0,32 điểm. Ở một góc nhìn khác, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đánh giá về PCI không nên chỉ nhìn vào thứ hạng mà quan trọng hơn cả là về mặt điểm số, địa phương đó đã cải thiện hay chưa. Nếu nhìn nhận theo hướng này thì rõ ràng trong mấy năm gần đây, điểm số về gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính năng động, đào tạo lao động của Hà Nội đều tăng điểm.

“Tuy nhiên, kết quả này cũng chỉ ra rằng, mặc dù Hà Nội đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ DN gia nhập thị trường nhưng các tỉnh, thành khác còn vươn lên mạnh mẽ hơn. Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp, nhiều hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh” – ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban Pháp chế, VCCI khuyến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, để cải thiện điểm số gia nhập thị trường, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 30 – 40% tổng số hồ sơ; đẩy mạnh xây dựng phần mềm dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn diện ở các lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý đầu tư; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần