Chỉ số hài lòng của dân

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/10/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2021.

Lâu nay, người dân Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chúng vẫn có tâm lý e ngại mỗi khi phải đến các công sở để giải quyết thủ tục hành chính. Thực tế thì nhiều năm qua, Thủ đô đã có nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiện đại, thuận tiện cho người dân, tổ chức. Tuy nhiên, thái độ tiếp dân của một số cán bộ thuộc bộ phận "một cửa", cán bộ xử lý văn bản tại một số cơ quan, đơn vị vẫn bộc lộ bất cập.
Do vậy ngay trong đại dịch, Hà Nội đã dành hẳn 3 tháng cuối năm để tiến hành khảo sát 20 sở, cấp tương đương cũng như 30 quận, huyện của địa bàn Thủ đô để đo lường chỉ số hài lòng (SIPAS) của người dân là việc làm được dư luận hoan nghênh. Kết quả đo lường chính là thước đo chính xác nhất đánh giá chất lượng phục vụ, trình độ chuyên môn... của các cán bộ; đồng thời cũng nhằm phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với cấp Sở và tương đương sẽ có 1.250 phiếu khảo sát, còn cấp quận, huyện sẽ có 4.800 phiếu được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị chủ trì kế hoạch này thực hiện. Theo đó, mỗi Sở và cơ quan tương đương sẽ được chọn 2 lĩnh vực được dư luận quân tâm để đánh giá SIPAS lần này. Nhìn vào danh sách các lĩnh vực được chọn, có thể thấy các đơn vị tổ chức đã có nghiên cứu khá sâu, đơn cử như Sở KH&ĐT (Đăng ký kinh doanh 100 phiếu, Đầu tư xây dựng 50 phiếu), Sở Công Thương (An toàn thực phẩm 50 phiếu, Hóa chất 50 phiếu), Sở LĐTB&XH (Trung tâm Dịch vụ việc làm 100 phiếu, Lao động tiền lương 25 phiếu, Việc làm 25 phiếu)…

Việc tại quận, huyện khảo sát 3 lĩnh vực tại bộ phận nhận và trả kết quả (Tư pháp 25 phiếu, LĐTB&XH 15 phiếu, các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, quản lý đô thị, văn hóa xã hội 30 phiếu) cho thấy Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã nhìn nhận khách quan đối tượng cần được khảo sát, đánh giá. Việc mỗi quận, huyện chọn 3 đơn vị cấp xã, trong đó có 1 xã có trụ sở UBND quận, huyện đóng cho thấy sẽ có độ phủ thành phần tham dự khá rộng, đa dạng thành phần khảo sát.

Khảo sát SIPAS là vấn đề không mới, cả với đơn vị tổ chức thực hiện lẫn cá nhân, đơn vị tham gia. Điều quan trọng là ý thức của cá nhân, người đại diện tổ chức khi cầm lá phiếu khảo sát trên tay, phải có trách nhiệm với cộng đồng và giúp cơ quan quản lý phát huy được những ưu điểm, tích cực; đồng thời, qua đây sẽ khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với người dân, tổ chức, để từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của Nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả...

Đây không phải là lúc chúng ta “chín bỏ làm mười” mà cần một thái độ công tâm, trách nhiệm với lá phiếu khảo sát. Cơ hội được phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước bằng chính nhận xét của mình qua phiếu khảo sát. Thực tế cho thấy, nếu làm tốt điều này thì người được hưởng lợi nhất chính là người dân nên mọi người hãy thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh.