Tại Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI 2022 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì tổ chức hôm nay, 12/4, thay mặt nhóm nghiên cứu PAPI 2022, TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho hay: Nếu như nhiều năm trước, Hà Nội luôn nằm trong nhóm thứ ba (nhóm trung bình thấp) thì đến năm 2021 và năm 2022 đã vươn lên lọt vào nhóm thứ nhất trong bảng xếp hạng 63 tỉnh/thành phố trên cả nước về Chỉ số PAPI.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Theo đó, trong số các tỉnh/TP thuộc nhóm tứ phân vị “cao”, 6 tỉnh/TP thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI 2022 với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm. Tiếp theo là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm; xếp thứ ba là tỉnh Thanh Hóa với 46,0154 điểm; đứng thứ tư là tỉnh Ninh Thuận với 46,0002 điểm; xếp thứ năm là Thừa Thiên Huế với 45,3845 điểm. Tỉnh Cao Bằng đứng cuối cùng với 38,8037 điểm.
Theo Báo cáo này, so với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; 18 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/TP có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử". Tuy nhiên, 29 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", 18 tỉnh/TP giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công”.
Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng PAPI năm 2022, Hà Nội đứng thứ 12, với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049 điểm.
TS Đặng Hoàng Giang đánh giá, Thành phố Hà Nội đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây trong bảng xếp hạng Chỉ số PAPI. Nếu như nhiều năm trước, Hà Nội luôn nằm trong nhóm thứ ba (nhóm trung bình thấp) thì đến năm 2021 và năm 2022 đã vươn lên lọt vào nhóm thứ nhất trong các tỉnh/TP về Chỉ số PAPI. Ngược lại, TP Đà Nẵng đã tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu - một điều rất đáng tiếc đối với Đà Nẵng.
Đặc biệt, theo thông tin nhanh về kết quả Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2022 do Sở Nội vụ cung cấp hôm nay, 12/4, với thang điểm tối đa 80 điểm, so sánh trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì Hà Nội đứng ở vị trí cao nhất, thứ 12 trong bảng xếp hạng chung toàn quốc. Tiếp đó là Hải Phòng đứng thứ 14, Đà Nẵng đứng thứ 29, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 42, Cần Thơ đứng thứ 55.
Trong 8 chỉ số thành phần thuộc Chỉ số PAPI 2022, TP Hà Nội có 3 chỉ số thành phần đã tăng điểm so với năm 2021. Đó là chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (năm 2022 đạt 5,82 điểm, năm 2021 đạt 5,01 điểm); chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” (năm 2022 đạt 4,37 điểm, năm 2021 đạt 4,33 điểm); chỉ số “Quản trị điện tử” (năm 2022 đạt 3,66 điểm, năm 2021 đạt 3,61 điểm).