PCI có thang điểm 100 và được tính từ tổng điểm có trọng số của 10 chỉ số thành phần. PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 DN, trong đó có trên 10.127 DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, TP và 1.185 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam
Theo bảng xếp hạng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội lần lượt là những địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 theo đánh giá của các DN.
Ở nhóm tiếp theo là Bình Định, Cần Thơ, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bến Tre, Thái Nguyên, Nghệ An, Bắc Giang… Nhóm cuối là Cao Bằng xếp thứ 63, Hoà Bình 62, KonTum 61, Kiên Giang 60…
Điều tra PCI năm qua cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá: “PCI 2021 là năm thứ 17 liên tiếp kể từ năm 2015. 17 năm qua là sự bền bỉ, nỗ lực, đánh giá khách quan, trung thực và 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper nhấn mạnh, Chính phủ Hoa Kỳ tự hào hợp tác với VCCI trong 17 năm qua để hỗ trợ chỉ số PCI vươn lên trở thành một công cụ quan trọng cho cá nhà đầu tư muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Công cụ này đã kích thích những cải thiện về chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương, từ đó mở khoá cho tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Nhìn tổng thể, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong năm qua có sự cải thiện theo thời gian. Điểm PCI gốc năm 2021 đạt 65,53 điểm, cao hơn 1,6 điểm so với điểm PCI gốc 2020 và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2021.
Bên cạnh đánh giá về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, báo cáo PCI 2021 còn đi sâu tìm hiểu vào những thách thức mà các DN tư nhân và DN FDI phải đối mặt, cách thức ứng phó đối với dịch bệnh Covid-19 cũng như đánh giá của họ về các biện pháp phòng chống dịch do chính quyền địa phương triển khai. Dù vậy, chính quyền các tỉnh cần đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung cải cách trong các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường, xây dựng, phòng cháy và quản lý thị trường.
Từ những phân tích về những yếu tố thúc đẩy khả năng chống chịu và khả năng phát triển của DN, báo cáo PCI cho thấy các chính sách trợ giúp DN phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm DN mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.