Chi tiết mâu thuẫn khiến đàm phán Mỹ - Trung "đỏ lửa"

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự suy thoái nhanh chóng của các cuộc đàm phán giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tấn công thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư phải đối mặt với khả năng leo thang thay vì chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài 10 tháng qua.

3 nhà đàm phán thương mại hàng đầu Mỹ - Trung hiện nay (trái qua): Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người từng ủng hộ mạnh mẽ những thay đổi cơ cấu cứng rắn ở Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đã từ bỏ các cam kết mà nước này đã đưa ra trước đó - dự kiến sẽ thay đổi đáng kể thỏa thuận.
"Trong suốt tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến...một sự xói mòn trong các cam kết của Trung Quốc, ông Lighthizer nói với các phóng viên, "điều đó theo quan điểm của chúng tôi là không thể chấp nhận được".
Ông Lighthizer nói thêm, hiện tại các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục, và thuế quan vẫn sẽ được giữ nguyên cho đến thứ 6 tuần này. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - vốn được coi là một người có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc - cho biết sự thay đổi của Bắc Kinh đã trở nên rõ ràng hơn vào cuối tuần qua, tuy nhiên từ chối cung cấp thông tin cụ thể.
Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, cụ thể tranh chấp mới nhất được đưa ra sau khi phía Trung Quốc tìm cách giải quyết các thay đổi chính sách thông qua các hành động hành chính và pháp lý, chứ không phải thông qua thay đổi luật pháp nước này như đã thỏa thuận trước đó.
Washington được cho là đang yêu cầu thay đổi sâu rộng các chính sách kinh tế của Trung Quốc, bao gồm vấn đề bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ và chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc từ các công ty Mỹ và đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Washington cũng muốn mở rộng khả năng tiếp cận với các thị trường rộng lớn của Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ, kiềm chế trợ cấp nhà nước và tăng mua sản phẩm của Mỹ.
Một nguồn tin khác nói với Reuters rằng Tổng thống Trump đã nahán mạnh với các cố vấn trong những ngày gần đây rằng ông sẽ từ bỏ khỏi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu nó không đủ mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một lần gặp mặt tại Nhà Trắng.
Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, nước này đã nhập khẩu khoảng 539,5 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2018 và xuất khẩu 120,3 tỷ USD, với mức thâm hụt thương mại kỷ lục là 419,2 tỷ USD. Ông Trump đã đả kích mức thâm hụt hôm 6/5 - 1 ngày sau khi thông báo sẽ tăng thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25% từ 10% vào cuối tuần này, đồng thời sớm áp thuế với phần nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán về việc xóa bỏ thuế quan trừng phạt của Mỹ cũng là một trong những điểm vướng mắc, khi Trung Quốc muốn loại bỏ hoàn toàn trong khi các quan chức Mỹ muốn giữ một số - như một phần của bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ các cam kết.
Ông Mnuchin cho biết Washington đang trong quá trình lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để có một thỏa thuận thành công.
Phía Bắc Kinh hiện vẫn chưa bình luận gì về các báo cáo mới của Mỹ.