GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội |
Đào tạo bác sĩ theo hướng tích hợp
GS có thể cho biết vì sao năm nay chỉ tiêu của ngành Y đa khoa lại giảm 100 thí sinh so với năm trước?
- Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường vẫn giữ nguyên là 1.120 nhưng số lượng tuyển của từng ngành đã có điều chỉnh. Sở dĩ, nhà trường điều chỉnh chỉ tiêu của các ngành là để phù hợp với quy mô đào tạo và muốn tập trung nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, từ năm tới, nhà trường đổi mới hoàn toàn chương trình đào tạo y khoa; vì thế, quy mô, chất lượng của bác sĩ đa khoa cũng phải phù hợp. Tuy nhiên, nhà trường tăng thêm chỉ tiêu cho một số ngành vì thấy nhu cầu xã hội tăng cao, trong khi ĐH Y Hà Nội gần như là nơi duy nhất đào tạo, chẳng hạn như ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế công cộng, Khúc xạ nhãn khoa.
Tuy nhiên, chỉ tiêu ngành Y đa khoa có giảm hơn năm ngoái nhưng không có nghĩa giảm con số thực. Trước đây, 3 - 4 năm, trường ĐH Y Hà Nội cũng tuyển 500 chỉ tiêu; 3 năm trở lại đây, trường có thêm Phân hiệu Thanh Hóa nhưng ở cơ sở chính vẫn tuyển 500, Phân hiệu 100. Hiện Phân hiệu đào tạo ổn định và chất lượng tốt, nên để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với chương trình đổi mới ngành Y đa khoa bắt đầu từ năm học này, chúng tôi giảm chỉ tiêu ở các cơ sở chính còn 400 và giữ nguyên chỉ tiêu ở Phân hiệu 100.
Chương trình đào tạo ngành Y đa khoa sẽ được đổi mới theo hướng nào, thưa GS?
- Đổi mới chương trình đào tạo Y đa khoa theo chủ trương chung là phát huy năng lực người học. Chúng ta muốn người học có năng lực như thế nào, đầu ra ra sao thì chương trình đào tạo sẽ được đổi mới theo hướng đó và phải đảm bảo. Hơn nữa, lâu nay chúng ta dạy hết môn này mới đến môn kia nhưng bây giờ sẽ dạy tích hợp theo các chủ đề. Sinh viên sẽ được liên thông các vấn đề với nhau trong một học phần, một nhóm vấn đề.
Như thế, tính logic, tính liên hệ, áp dụng sẽ tốt hơn rất nhiều so với trước đây dạy theo niên chế. Có khi học hết môn từ năm thứ nhất, đến năm thứ năm mới học một môn có ứng dụng kiến thức thì sinh viên cũng quên hết. Cùng với đó tăng cường giảng dạy thực hành lâm sàng, giảm bớt lý thuyết để nâng cao kỹ năng tay nghề cho sinh viên Y đa khoa. Môn ngoại ngữ cũng được tăng thời lượng, với yêu cầu cao hơn để đáp ứng nhu cầu hội nhập trong đào tạo.
Điểm trúng tuyển sẽ cao?
Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành sức khỏe sẽ báo hiệu điều gì, thưa GS?
- Đây là quy định hết sức phù hợp và rất cần thiết. Bởi lẽ trên thế giới, những học sinh phải đứng tốp đầu về học lực ở trường THPT mới được vào ngành y. Ở nước ta, một số trường y có sinh viên thuộc tốp đầu nhưng cũng có cơ sở giáo dục lấy điểm đầu vào khá thấp, chưa đáp ứng so với yêu cầu năng lực người học trường y. Như vậy, có điểm sàn cho các ngành sức khỏe là rất cần thiết. Nhưng để các trường tuân thủ, Bộ cần có những quy định cụ thể để tránh tình trạng có những nơi muốn tuyển sinh đủ nhưng đầu vào ít hấp dẫn thì sẽ lấy điểm chuẩn thấp.
Việc giảm chỉ tiêu ngành Y đa khoa còn 500 và với kết cấu đề thi THPT Quốc gia năm 2019 đã được Bộ GD&ĐT công bố, nhiều thí sinh dự đoán điểm đầu vào trường ĐH Y Hà Nội sẽ tăng?
- Thí sinh không nên quá lo lắng điểm đầu vào cao hay thấp, miễn là năng lực học tập của mình ra sao, được xếp hạng phân loại ở mức nào để có cơ hội vào không. Còn đề khó thì khó chung, dễ thì dễ chung. Năm nay nhà trường điều chỉnh chỉ tiêu của ngành Y đa khoa cho nên tính cạnh tranh sẽ cao hơn.
Nhưng đừng quên, chỉ tiêu không có gì thay đổi so với 3 năm trước, chỉ có điều trường tuyển thêm 100 ở Phân hiệu Thanh Hóa. Thí sinh nếu không đạt điểm ở cơ sở chính thì học ở Phân hiệu Thanh Hóa, điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa sẽ thấp hơn ở cơ sở chính. Ở Phân hiệu chất lượng đào tạo không khác gì với cơ sở chính của trường.
Xin cảm ơn ông!