Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải:

Chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2023 là phù hợp và có tính phấn đấu

Thanh Hải - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7% là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.

Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND TP nêu.
Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu HĐND TP nêu.

Sáng 8/12, tiếp tục Chương trình tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND TP nêu.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, đã có 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung tại 5 tổ thảo luận. Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND TP, trong đó thống nhất nhận định mặc dù bối cảnh năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới cũng như hậu quả của dịch bệnh Covid-19, song với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, TP đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó cả 4 chỉ tiêu kinh tế đều vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.

UBND TP đã chủ động, quyết liệt, tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, xác định và giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm; đã sớm ban hành và triển khai một số chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà còn triển khai cho cả trung và dài hạn.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 
Quang cảnh Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 

Giải trình rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, về vấn đề phát triển kinh tế, khối doanh nghiệp đang khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. TP sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp...

Đối với phát triển làng nghề, TP sẽ tiếp tục quan tâm đảm bảo về mặt bằng, mở rộng và đầu tư xây mới các cụm công nghiệp làng nghề, đưa sản xuất ra khỏi khu dân cư và hỗ trợ phát triển sản xuất, có các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

“Về chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) - là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu” – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.

Về dự báo nguồn thu của năm 2023, UBND TP đã xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu và tập trung phân tích, đánh giá khả năng thực hiện thu NSNN năm 2022, những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2023 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải giải trình ý kiến các đại biểu HĐND TP quan tâm. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải giải trình ý kiến các đại biểu HĐND TP quan tâm. 

Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023, dự kiến còn tiếp tục khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị: cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tiếp tục khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thu như tập trung vào rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ khoán; quỹ đất, tài sản công, rà soát 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau Nghị quyết số 04 của HĐND TP,...

TP tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, bố trí sắp xếp lại không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh: các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; các trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng...

Có nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia đều thống nhất đánh giá, nhận định để tăng trưởng nhanh bền vững cần dựa vào khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với Khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất chính; 3 trụ cột gồm chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chọn chuyển đổi số là động lực phát triển, là một phương thức phát triển mới; Dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy, kỹ năng và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát, bổ sung thêm các chỉ tiêu làm động lực đột phá, để lượng hóa các nhiệm vụ, giải pháp; đặc biệt là các chỉ tiêu thống kê về: hạ tầng số , công nghiệp văn hoá; các chỉ tiêu về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…chính quyền đô thị, chính quyền số, Thành phố thông minh.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm tầng nấc trung gian

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, về vấn đề về chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, năm 2023, UBND TP xác định tiếp tục chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành , quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy đặc biệt là phương pháp làm việc. Tiếp tục tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhất là kỹ năng theo vị trí việc làm.

Chỉ đạo các ngành hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp, liên thông giữa các đơn vị, trong đó xác định rõ nguyên tắc có liên quan từ 2 cơ quan, đơn vị, địa phương trở lên thì sẽ do TP chỉ đạo xây dựng. Triển khai ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp ủy quyền, tiếp tục rà soát việc phân công, phân nhiệm của TP gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm thiểu các tầng nấc trung gian; Theo dõi hướng dẫn kiểm tra giám sát việc phân cấp ủy quyền.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; trước mắt là triển khai hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trong cả hệ thống và triển khai hệ thống báo cáo điện tử. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố, có cơ chế chia sẻ, phân quyền trong khai thác. Đẩy mạnh công khai minh bạch.

Các đại biểu HĐND TP tham dự Kỳ họp. 
Các đại biểu HĐND TP tham dự Kỳ họp. 

Đáng chú ý, về việc công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục đang rất khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: TP sẽ quan tâm rà soát các chính sách hỗ trợ để khắc phục khó khăn; tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tuyển giáo viên.

Để khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, chuyển công tác, cùng với công tác tư tưởng, tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố (với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng).

“Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND TP đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ công chức của Thành phố” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai, UBND TP cho biết đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, đồng thời cụ thể hoá 12 giải pháp, biện pháp của HĐND TP để xử lý theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.

Về việc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: Về công tác chỉ đạo điều hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4; UBND TP có Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 14/9/2022 và văn bản số 3342/UBND-TNMT ngày 10/10/2022; số 3684/UBND-TNMT ngày 04/11/2022 chỉ đạo triển khai công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Về chính sách tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, ngày 20/10/2022, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3956/QĐ-UBND về bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó tập trung tháo gỡ việc hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do HTX quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) các hộ dân đã xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định; Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được công nhận là đất ở; Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề; Hỗ trợ đối với các công trình xây dựng trên đất.

Làm rõ các nguyên nhân giải ngân chậm

Về đầu tư công, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá đây là khâu yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân chậm.

Quang cảnh Kỳ họp.
Quang cảnh Kỳ họp.

Các đại biểu thảo luận và chỉ ra các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và thực chất của chậm muộn. Do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, tổng mức đầu tư không chính xác, hiệu quả đầu tư…Điều chỉnh điều hoà các DA: ngoài do chính sách pháp luật thì là do phối hợp: quy trình, thủ tục hành chính….

Về giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất; giá đền bù; quỹ nhà tái định cư; vấn đề tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.. Ngoài nguyên nhân khách quan, chủ yếu vẫn là do cách làm, do quyết tâm, do phối hợp. Về giá, do vấn đề lạm phát; công bố suất đầu tư; thông báo giá; tâm lý chờ: Do chính sách pháp luật, do cách làm, do phối hợp; các vấn đề liên quan hợp đồng trọn gói.

Các dự án trọng điểm, trong đó có 4 nhóm chính: Các dự án ODA, 39 công trình trọng điểm, Dự án đường Vành đai 4, đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Đây là những nhóm rất quan trọng, tuy nhiên các đại biểu đều đánh giá tiến độ đều chậm, ngoài những yếu tố mang tính khách quan là về GPMB, giá,... thì nguyên nhân chủ quan là do chưa dành đủ sự quan tâm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Các ý kiến cho rằng cần rà soát lại nguồn vốn, rà soát lại việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Rà soát lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Cập nhật điều chỉnh. Rà soát cắt giảm dự án không cần thiết, chậm tiến độ hoặc đánh giá lại sự cần thiết các dự án…

Về nội dung hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện bổ sung Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Trong đó, đối với tài sản công là nhà, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 9 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của TP (gồm quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà tái định cư, quỹ diện tích tầng 1 chung cư thương mại phải bàn giao về TP…). Đối với đất đai, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 5 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 (gồm quỹ đất 20-25%, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư…).

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành liên quan rà soát bổ sung, hoàn thiện vào Đề án” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.