Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi trả cổ tức: Bao giờ hết ngậm ngùi?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2019 đã bắt đầu diễn ra. Như thường lệ, nhiều DN, nhất là khối ngân hàng ngỏ ý giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn, theo đó, tăng giá trị cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải giá cổ phiếu lúc nào cũng như kỳ vọng nên câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng khiến không ít cổ đông ngậm ngùi.

Mùa ĐHCĐ năm 2018, MBBank giữ lại cổ tức tiền mặt, tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng này giảm sâu trong năm qua cũng khiến nhiều cổ đông thở dài. Ảnh: Nha Trang
“Nóng” tăng vốn, giữ lại cổ tức

Tại hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng 2019, Ngân hàng VietinBank đã lên tiếng “xin” được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020 với lý do nâng tỷ lệ an toàn vốn. Dự kiến, ngày 23/4, ngân hàng này sẽ tổ chức ĐHCĐ và chắc chắn, vấn đề liên quan đến tăng vốn, giữ lại cổ tức sẽ lại rất nóng.
Chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu về bản chất không khác nhau, cổ đông được nhận khoản tài sản có từ lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng. Dù nhận bằng tiền hay cổ phiếu thì giá trị quy đổi sẽ như nhau tại thời điểm nhận cổ tức. Tuy giá trị như nhau nhưng hầu hết cổ đông đều thích trả bằng tiền mặt. Thay vì tiền mặt để sử dụng cổ đông nhận được cổ phiếu nào đó dĩ nhiên giá trị tài sản cũng tăng nhưng để sử dụng phải bán cổ phiếu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Không chỉ VietinBank, nhiều DN khác cũng đã ngỏ ý với cổ đông về việc giữ lại cổ tức để tăng vốn. VPBank mới đây vừa phát hành phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua báo cáo tài chính 2018 hợp nhất và riêng lẻ đã được kiểm toán bởi E&Y Việt Nam và phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Theo đó, tổng số lợi nhuận chưa phân phối của năm 2018 sau khi trích các quỹ là 3.431.177 triệu đồng nêu trên sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank. Vì thế, để thuận tiện trong quá trình thực hiện và cũng để phù hợp với chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước, VPBank đã trình ĐHĐCĐ giao, ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thực hiện phương án phân phối lợi nhuận, các quỹ năm 2018 của VPBank và các công ty con.

Theo lãnh đạo một DN, xu thế chung là các DN không muốn chia cổ tức bằng tiền mặt mà muốn chia bằng cổ phiếu bởi đều có mục tiêu tăng vốn. Việc chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu cũng còn phụ thuộc vào tình hình hoạt động của DN cũng như thị giá trên sàn của các mã chứng khoán.

Cổ tức tiền mặt - giấc mơ xa?

Thực tế, tâm lý của các cổ đông vẫn thích cổ tức “tiền tươi, thóc thật” hơn. Tuy nhiên, tăng vốn, theo đó, tăng giá trị cổ phiếu là lý do quen thuộc được các DN đưa ra để lý giải cho động thái giữ lại cổ tức. Theo Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần và có thể được trả bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Trong trường hợp cổ tức tiền mặt bị giữ lại thì cổ đông chỉ còn một cách duy nhất là dựa vào thị trường chứng khoán, với sự bấp bênh lên xuống của thị giá.
Nếu giữ lại cổ tức nhưng DN không có kế hoạch sử dụng rõ ràng thì đó có thể là một dấu hiệu của những toan tính tiêu cực hoặc không vì lợi ích của cổ đông.

Giám đốc công ty Luật Inteco Hà Huy Phong

Mùa ĐHCĐ năm 2018, hàng loạt “ông lớn” ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã CK:MBB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB)… đều nói không với cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, giá các cổ phiếu này năm qua không như kỳ vọng cũng khiến nhiều cổ đông không vui. Theo dữ liệu của Vietstock, qua một năm, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội giảm gần 25%. Với cổ phiếu SHB, không chỉ đì đẹt dưới mệnh giá, giá cổ phiếu ngân hàng này cũng giảm hơn 42% trong một năm qua. Cổ phiếu TCB của Techcombank cũng không khá hơn khi giảm tới 37% từ khi niêm yết.

Ông Phong cho rằng, về bản chất, việc giữ lại cổ tức là một hình thức chiếm dụng vốn thương mại của chính cổ đông, nhưng việc chiếm dụng đó không hẳn là không tốt, phụ thuộc vào căn nguyên thật sự của nó. Lý do thực sự cho việc giữ lại có thể rất khác nhau và chỉ có Ban giám đốc ngân hàng mới biết chính xác. “Có những trường hợp ngân hàng muốn giữ lại để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, mở rộng hoạt động và tăng giá trị DN, theo đó gia tăng sức mạnh của cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cổ đông được hưởng lợi. Cũng có những trường hợp việc giữ lại là nhằm che giấu hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của cổ đông về nguồn ngân quỹ bằng tiền mặt. Việc giữ lại cổ tức cần xem xét một cách thấu đáo về nguyên do, trong đó cần xem xét đến nhu cầu đầu tư vào các dự án hoặc kế hoạch kinh doanh mới” - đại diện Inteco nói.