Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ trích Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19, Mỹ có động thái ở Biển Đông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hải quân Mỹ hôm nay (21/4) xác nhận rằng 2 tàu chiến Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, được cho đang ở gần khu vực tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc.

Tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) của Hải quân Mỹ.

Các động thái mới đến vào thời điểm Hải Dương 8, một tàu nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc, đã được phát hiện vào tuần trước gần một tàu thăm dò do công ty dầu khí Petronas của Malaysia điều hành, vài tháng sau khi nó cũng thực hiện một cuộc tuần tra trái phép tương tự ngoài khơi Việt Nam.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng "hành vi bắt nạt" tại vùng biển tranh chấp, do lo ngại về các hành động khiêu khích của Bắc Kinh cản trở sự phát triển dầu khí ngoài khơi Biển Đông.
"Tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai và đang hoạt động ở Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Hoa Kỳ Nicole Schwegman nói, "thông qua sự hiện diện hoạt động liên tục của chúng tôi ở Biển Đông, chúng tôi đang làm việc... để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng cho Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Ông Schwegman nói thêm: "Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác để xác định lợi ích kinh tế của chính họ".
Hiện Bộ Ngoại giao Malaysia và đại diện Petronas chưa đưa ra bất cứ bình luận gì. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó chỉ trích Trung Quốc đã lợi dụng sự tập trung của khu vực vào đại dịch Covid-19 để "cưỡng chế các nước láng giềng".
Các động thái của Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông khi Bắc Kinh đang tăng cường "ngoại giao Covid-19", thông qua việc quyên góp thiết bị và viện trợ y tế cho nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm một nhóm các chuyên gia y tế Trung Quốc đã đến Malaysia trong tuần này.
Chủ nhật vừa qua, Việt Nam thẳng thắn thể hiện lập trường phản đối sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập 2 khu hành chính bất hợp pháp trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, được cho thuộc quản lý của "thành phố Tam Sa" - khái niệm đã nhiều lần bị bác bỏ ngay từ năm 2012.
Việt Nam luôn nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi Trung Quốc và các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.