Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chìa khóa chặn lừa đảo trên môi trường số

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Công nghệ 4.0 mang tới nhiều tiện ích cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính, nhưng cũng kéo theo sự bùng nổ các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Chiêu thức tinh vi, muôn hình vạn trạng

Chị N.T. Linh (trú tại quận Hà Đông) bàng hoàng kể lại, khoảng 1 tháng trước, chị nhận được lời mời kết bạn của một người giới thiệu là nhân viên ngân hàng trên mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian trò chuyện, người này khẳng định có thể giúp chị Linh vay 100 triệu đồng với lãi suất chỉ 4%/năm.

Ngoài ra, còn được tặng một thẻ tín dụng và được miễn phí thường niên. “Sau khi gửi ảnh chụp giấy tờ cá nhân và một triệu đồng thanh toán phí, tôi nhận được phong bì chuyển phát nhanh có cả hợp đồng vay vốn và thẻ tín dụng. Sau đó, tôi chuyển thêm một triệu đồng phí bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, sau đó tôi phát hiện thẻ tín dụng và hợp đồng đều là giả và biết mình đã bị lừa” - chị Linh chia sẻ.

Mới đây, Công an TP Hà Nội cũng vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mạo danh phần mềm cơ quan thuế mà nhiều người đã là nạn nhân. Theo đó, nạn nhận là chị B. (huyện Hoài Đức) nhận được cuộc gọi của đối tượng xưng danh là cán bộ thuế, gửi một đường link và hướng dẫn chị truy cập để cài đặt phần mềm “Tổng cục Thuế” để nộp thuế được giảm VAT từ 10% xuống 8%. Sau khi cài đặt phần mềm, chị B phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 240 triệu đồng. Cùng với thủ đoạn tương tự, chị V (Long Biên) cũng đã bị mất hơn 400 triệu đồng.

Bùng nổ các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng (Ảnh minh hoạ)
Bùng nổ các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng (Ảnh minh hoạ)

Theo thông kê của Bộ TT&TT, năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Chia sẻ về những thách thức ngăn chặn lừa đảo trên môi trường số, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, chủ yếu đến từ sự chủ quan của khách hàng, điển hình là việc vô tình cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán...  khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Vụ Trưởng vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Ngành ngân hàng cũng như các Bộ, ngành thời gian qua triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp. Các vụ việc thường là xảy ra rồi mới bắt đầu xử lý.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, sự thiếu tương thích giữa các hạ tầng cũng là kẽ hở để kẻ gian thực hiện các hành vi lừa đảo. “Hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được. Nếu như các cơ sở hạ tầng dữ liệu này tương thích và được tích hợp, kết nối thì trong trường hợp khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng mobile banking thì ngân hàng có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không” – ông Hùng chia sẻ.

Đầu tư nâng cấp công nghệ

Đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào Winnie Wong nêu quan điểm, cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính.

 

Tính đến hết tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch qua chuyển khoản tăng 52,35% so với năm 2022, với sự bùng nổ của thanh toán qua POS, mã QR, Internet Banking và Mobile Banking. Cả nước có khoảng 11 triệu tài khoản ngân hàng mở mới thông qua phương thức định danh điện tử (eKYC), trong khi giao dịch rút tiền mặt qua ATM tiếp tục giảm khoảng 6,3%.

Về phía các ngân hàng, cần đầu tư vào công nghệ để đảm bảo an ninh an toàn. Ngoài ra, cần có sự hợp lực với cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo về mặt chính sách để có cơ sở pháp lý trong trường hợp sự cố xảy ra.

Cuối cùng, một khía cạnh rất quan trọng là người tiêu dùng. Bởi dù công nghệ có tốt đến đâu thì đến cuối cùng hoạt động của người dùng vẫn là yếu tố then chốt. Do đó, thúc đẩy nhận thức của người tiêu dùng là việc cần phải làm.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để để chuyển đổi số được toàn diện hơn trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung, đầu tiên là hành lang pháp lý phải đầy đủ. Thực tế, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có chiến lược, bước đi phù hợp với luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ ban hành ra những chính sách, cơ chế sao cho phù hợp với sự phát triển của thị trường nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng.

Cũng đề cao giải pháp nâng cao công nghệ, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho rằng, các tổ chức tín dụng cần tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào trong quá trình chuyển đổi số. Làm sao xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch, tích hợp với nhau để cho các trải nghiệm của khách hàng một cách thông suốt. Cùng với đó, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận.