“Chìa khóa” cho tương lai ngành báo chí truyền thông
Kinhtedothi-Trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành truyền thông không nằm ngoài vòng xoáy của sự thay đổi. Chuyển đổi số với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã trở thành một yếu tố then chốt, một "chìa khóa" mở ra cánh cửa tương lai cho ngành báo chí nói riêng và truyền thông nói chung.
Thực trạng số hóa báo chí ở Việt Nam
Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chóng. Nhiều cơ quan báo chí, bao gồm từ cơ quan báo chí T.Ư đến địa phương đã đi tiên phong và thành công trong chuyển đổi số. Các bài viết không chỉ dừng lại ở văn bản, mà còn kết hợp hình ảnh, video, podcast, infographics… Các nền tảng như: Facebook, Zalo, Instagram cũng đã trở thành kênh phát hành thông tin quan trọng.

Báo Kinh tế & Đô thị là một trong 28 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Giấy chứng nhận đạt mức xuất sắc
về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024. Ảnh: Quỳnh Hoa
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận sự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí. Tỷ lệ cơ quan báo chí đã xây dựng kế hoạch/chương trình hành động hàng năm về chuyển đổi số lên tới 49,65%. Theo kết quả đo lường chuyển đổi số báo chí năm 2024, có 282 đơn vị thực hiện đánh giá, đo lường mức độ chuyển đổi số. Kết quả, có 28 cơ quan báo chí đạt mức Xuất sắc (tăng 6,27% so với năm 2023); 65 đơn vị đạt mức Tốt (tăng 14,99% so với năm 2023); 55 đơn vị đạt mức Khá (tăng 6,31% so với năm 2023); 25 đơn vị đạt mức Trung bình (giảm 3,22% so với năm 2023) và 109 đơn vị đạt mức Yếu (giảm 24,35% so với năm 2023).
Thực tế cho thấy rằng, chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa quy trình sản xuất và phát hành nội dung, nâng cao tốc độ và chất lượng bài viết, từ đó phục vụ công chúng tốt hơn. Công nghệ cho phép báo chí cá nhân hóa trải nghiệm người đọc, tạo ra nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng nhóm độc giả, giúp tăng cường sự tương tác và độ tin cậy. Mặt khác, chuyển đổi số còn tạo điều kiện cho báo chí mở rộng thị trường trên các nền tảng số và mạng xã hội, giúp tiếp cận lượng lớn độc giả mới và tăng trưởng doanh thu từ quảng cáo. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) trong phân tích và sản xuất nội dung báo chí cho phép nhận diện xu hướng và sở thích của độc giả, từ đó phát triển chiến lược nội dung hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông truyền thống gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ mạng xã hội, việc chuyển đổi số là cần thiết để không tụt hậu và duy trì vị thế trong ngành. Đồng thời, cũng mở ra nhiều khả năng khám phá các mô hình kinh doanh mới, từ phí đăng ký đến các dịch vụ gia tăng, nhằm tối ưu hóa nguồn thu cho cơ quan báo chí. Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Lãm nhận định, chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí nói riêng đã giúp các cơ quan báo chí phát triển ngày càng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, sản xuất ra các tác phẩm chất lượng. Qua đó, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và cơ hội do môi trường số mang lại, báo chí truyền thông cũng gặp không ít thách thức. Trong đó, báo chí phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng mạng xã hội và các nguồn tin tức khác. Vấn đề vi phạm bản quyền trở nên nghiêm trọng hơn trong môi trường số, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ bản quyền hiệu quả. Đáng ngại nhất là việc các cơ quan báo chí còn phải đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng và bảo mật thông tin…
Thêm nữa, sự lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch và tin giả trên mạng xã hội cũng là nhân tố gây khó khăn cho báo chí trong việc xác minh và cung cấp thông tin chính xác. Trong khi đó, độc giả có xu hướng tiếp nhận thông tin nhanh chóng và trên nhiều nền tảng khác nhau, đòi hỏi báo chí phải thay đổi cách thức sản xuất và phân phối nội dung.
Giải pháp thúc đẩy số hóa báo chí
Chuyển đổi số báo chí chính là thay đổi tư duy của lãnh đạo, của từng cá nhân mỗi nhà báo, phóng viên, những người trực tiếp làm nghề. Số hóa báo chí truyền thông không chỉ đơn thuần là việc đưa nội dung lên nền tảng số mà còn là một quá trình tổng thể và sâu sắc về cách thức hoạt động và tạo dựng lợi thế cạnh tranh.

Báo Kinh tế & Đô thị ra mắt Tòa soạn hội tụ và hệ sinh thái số
Tại nhiều hội thảo, tọa đàm về số hóa báo chí truyền thông, các nhà quản lý, chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Trong phát biểu của mình tại tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và thách thức” diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế &Đô thị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, khẳng định rằng đây là xu thế không thể tránh khỏi trong thời đại công nghệ hiện nay. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, để thích ứng với sự thay đổi, cần có tư duy mới từ lãnh đạo đến từng phóng viên, nhằm tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo hơn.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị từng chỉ ra rằng trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc cập nhật công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất và phân phối thông tin, cũng như việc thu hút và giữ chân độc giả trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. “Để vượt qua những thách thức này, cần tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân viên, giúp họ nắm bắt và áp dụng các công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng nội dung và dịch vụ báo chí”- PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.
Ngoài các chương trình đào tạo và hội thảo để nâng cao hiểu biết của cán bộ quản lý và phóng viên về chuyển đổi số, về vận dụng công nghệ, thì bản thân những người làm báo cũng phải có sự sáng tạo riêng; hay nói cách khác, ứng dụng công nghệ phải đi đôi với sáng tạo nội dung. "Điều quan trọng là bên cạnh sử dụng những công nghệ cao, chúng ta phải đổi mới sáng tạo để tạo ra sự khác biệt. Nếu chỉ làm những bản tin như hàng ngày thì chắc chắn sẽ không thu hút được người xem. Bởi ở ngoài kia mỗi cá nhân, mỗi tổ chức lại có rất nhiều công nghệ trong tay để tạo ra rất nhiều sản phẩm thú vị", Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ tại một tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2025.
Cùng với những giải pháp trên, sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền sẽ góp phần quan trọng giúp các cơ quan báo chí nâng cấp hạ tầng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Song song với đó, khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí và công ty công nghệ; bởi, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, từ việc tiếp cận và áp dụng công nghệ mới cho đến việc chia sẻ dữ liệu và xây dựng các sản phẩm nội dung mới mẻ.
Có thể nói, để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số báo chí truyền thông, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí đến xã hội. Chỉ khi đó, ngành báo chí mới có thể phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Trích dẫn
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cùng với khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet và thông tin đa chiều của mạng xã hội, báo chí cần nhanh chóng trở thành một “nền tảng số” để phân tích dữ liệu chuẩn xác, đưa thông tin kịp thời, tuyên truyền một cách hiệu quả. Dự báo, báo chí truyền thông sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nền tảng số, với sự gia tăng của các công nghệ mới như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và các mô hình truyền thông tương tác… Do đó, chuyển đổi số sẽ đóng vai trò là yếu tố sống còn cho sự tồn tại và là “chìa khóa” cho tương lai của ngành báo chí truyền thông trong thời đại số.

Khởi động chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025
Kinhtedothi - Ngày 31/3, Lễ khởi động chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025 và Tọa đàm “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức chính thức diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chính thức khởi động chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025

Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025: Đề cao tính chuyên sâu cho các vấn đề an sinh xã hội
Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vừa thống nhất khởi động chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2025. Đây là lần thứ 5, Báo Kinh tế & Đô thị và các đối tác đã triển khai chương trình truyền thông có quy mô, bài bản nhằm phản ánh thực tế của vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu