Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chìa khóa nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam

Cẩm Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến khó lường, việc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ đã giúp Việt Nam nâng cao uy tín trong cộng đồng quốc tế. Đó là khẳng định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia với báo Kinh tế & Đô thị.

Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Australia). Ảnh: Hà Ngọc  
Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Australia). Ảnh: Hà Ngọc  

Bốn yếu tố then chốt

“Có ít nhất bốn yếu tố đã giúp Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ: Thứ nhất là ổn định chính trị trong nước, Thứ hai là lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh trên tiền đề “bốn không”, Thứ ba là trình độ cao và các đoàn ngoại giao chuyên nghiệp và Thứ tư là hoạch định chính sách chiến lược dài hạn”, vị chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập tự chủ đã nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam đã hai lần được Khối châu Á tại Liên Hợp quốc nhất trí lựa chọn làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.  Việt Nam đã trúng cử hai lần vào vị trí này với đa số phiếu thuận trong Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến khó lường như hiện nay, với cạnh tranh các nước gia tăng, chiến sự tại Ukraine, Giáo sư Carl Thayer nhận định, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức do hệ thống quốc tế đang chia cắt thành các khối, một khối do Hoa Kỳ, các nước NATO và các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, khối còn lại gồm Nga và Trung Quốc cùng “quan hệ đối tác không có giới hạn” của họ.

“Việc theo đuổi chính sách độc lập và tự chủ đồng nghĩa Việt Nam không chọn bên”, ông Carl Thayer nhấn mạnh. Mặt khác, Việt Nam không đơn độc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ. Bối cảnh hiện nay đã mở ra cơ hội để Việt Nam nâng tầm quan hệ với các đối tác chiến lược và toàn diện khác, đặc biệt là Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Tiếp cận chủ động - cơ hội của Việt Nam

Sự đối đầu giữa hai khối đang dẫn đến sự phân cực toàn cầu và sự gạt ra ngoài lề của các cường quốc vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đối đầu cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam nếu Việt Nam chọn cách tiếp cận chủ động để giải quyết các thách thức an ninh hiện tại khác như mất an ninh lương thực toàn cầu, chung sống với Covid-19 và các biến thể, giảm thiểu biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương.

Trong bối cảnh vừa qua, Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN với sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế, GS Carl Thayers nhận định, Việt Nam có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt bằng cách phối hợp với Campuchia, Indonesia và Thái Lan, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) và APEC, để đảm bảo rằng các thỏa thuận thiết thực được đưa ra. Việt Nam có thể vận động các thành viên ASEAN ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc, Hoa Kỳ và các bên khác giảm căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan.

Ngoài ra, Việt Nam có thể đóng một vai trò ngoại giao tích cực bằng cách sử dụng uy tín quốc tế của mình để giành được sự ủng hộ của các thành viên cộng đồng quốc tế trong nhiều thể chế đa phương nhằm kêu gọi đàm phán hòa bình, chấm dứt xung đột ở Ukraine và ủng hộ việc tái thiết đất nước này sau chiến sự, GS Carl Thayer lưu ý.

 

Về chính sách quốc phòng, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ khẳng định giữ vững nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
“Giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.
Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ngày 11/5, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ năm 2022