Không chỉ dừng lại ở các hội chợ, những sáng kiến này còn bao gồm các tour thực địa, hội nghị chuyên ngành và chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho các đối tác quốc tế trực tiếp kiểm chứng chất lượng sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Tháng 10 vừa qua, phóng viên Ban Thông tin Đối ngoại của Báo Kinh tế và Đô thị đã tham gia chương trình “Table Grape Business Tour” tại Bari, Italy – một trong những sự kiện nổi bật, cho thấy hiệu quả của mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chương trình "Table Grape Business Tour" là sáng kiến của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Lâm nghiệp Ý (Masaf), chỉ đạo Viện Dịch vụ Thị trường Nông sản và Thực phẩm (ISMEA) triển khai, với mục tiêu củng cố quan hệ thương mại trong lĩnh vực sản phẩm nho sạch. Được tổ chức tại Bari – một trong những khu vực sản xuất nông sản đa dạng nhất của Ý, sự kiện đã thu hút các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và báo chí quốc tế đến từ Trung Đông, Canada, Châu Á và Châu Âu – những thị trường đầy tiềm năng mà Ý đang hướng tới.
Theo ông Mauro Quadri, Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp Ý, rau củ và trái cây hiện đóng góp 26% vào doanh thu ngành nông sản Ý, với trị giá khoảng 67,1 triệu euro trong năm 2023. "Bari là khu vực nổi bật với đa dạng các loại nông sản chất lượng. Do vậy, chúng tôi chọn Bari làm nơi tổ chức sự kiện, không chỉ để quảng bá nho ăn mà còn để giới thiệu tiềm năng của nền nông nghiệp Ý.”
Phát triển niềm tin qua trải nghiệm thực tế
Nhằm xây dựng niềm tin bền vững, chương trình đã đài thọ chi phí mời các doanh nghiệp xuất nhập khẩu quốc tế trên toàn thế giới đến với Bari, tham gia vào tour thực địa đến các trang trại và nhà máy sản xuất nho sạch hàng đầu ở vùng Puglia.
Việc đưa các đối tác quốc tế trực tiếp đến tham quan các vườn nho và cơ sở chế biến giúp họ thấu hiểu sâu sắc về quy trình sản xuất nho sạch đạt chuẩn quốc tế, từ việc chọn giống nho không hạt đến hệ thống bảo quản tiên tiến, giúp giữ được độ tươi và vị ngọt tự nhiên của sản phẩm. Điều này không chỉ là biện pháp tiếp thị hiệu quả mà còn giúp các đối tác quốc tế thấm nhuần giá trị sản phẩm, tạo dựng niềm tin và thiện cảm về nền nông nghiệp Ý.
Trong khuôn khổ sự kiện, Hội chợ LUV – hội chợ châu Âu chuyên biệt về nho sạch mở ra nhiều cơ hội thảo luận B2B, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về khả năng hợp tác.
Ông Mirko Sgaramella, Giám đốc Dự án LUV, chia sẻ: “LUV là nơi các bên trong chuỗi cung ứng có thể cùng thảo luận, đánh giá mọi khía cạnh của ngành nho, từ canh tác đến bảo quản sau thu hoạch, và xác định chiến lược phát triển tương lai của ngành.”
Các buổi hội thảo đã đi sâu vào các khía cạnh kỹ thuật như nghiên cứu giống nho không hạt mới, kỹ thuật bảo vệ cây trồng trước dịch bệnh Xylella, và phương pháp bảo quản kéo dài độ tươi mà không cần hóa chất. Ông Donato Boscia, Trưởng Chi nhánh Viện Bảo vệ Cây trồng Bền vững tại Bari, trình bày những giải pháp phòng chống dịch bệnh Xylella, một thách thức lớn cho các nhà sản xuất nho tại Puglia và trên toàn cầu.
Hỗ Trợ từ Chính phủ và Liên minh châu Âu trong mô hình hợp tác Công - Tư (PPP)
Hợp tác công - tư (PPP) đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thương mại nông sản châu Âu, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ 325 triệu euro trong năm 2024 để hỗ trợ 253 chương trình xúc tiến thương mại nông sản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.
Một ví dụ tiêu biểu là chương trình "Table Grape Business Tour" và hội chợ LUV tại Bari, Ý—sự kiện đầu tiên ở châu Âu hoàn toàn dành riêng cho ngành nho sạch. Sự kiện này do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Lâm nghiệp Ý (Masaf) và Viện Dịch vụ Thị trường Nông sản và Thực phẩm (ISMEA) tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất, nhập khẩu và chuyên gia từ nhiều quốc gia. Hội chợ đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác, đồng thời giới thiệu các công nghệ bảo quản và đóng gói tiên tiến, giúp nho Ý giữ được chất lượng tối ưu khi xuất khẩu.
Sự hợp tác giữa các bên trong mô hình PPP đã mang lại kết quả đáng kể. Theo ISMEA, xuất khẩu nho Ý đã tăng trưởng cả về số lượng và giá trị, với giá xuất khẩu trung bình tăng do cải tiến kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ tài chính và đào tạo từ EU và chính phủ Ý đã giúp các doanh nghiệp địa phương áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Ông Mario Schiano, đại diện ISMEA, chia sẻ: "Các sản phẩm nông sản của Ý không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tăng cường giá trị nhờ cải tiến trong quy trình sản xuất. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp địa phương."
Những thành công này minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác công - tư trong việc thúc đẩy thương mại nông sản châu Âu, đồng thời củng cố vị thế của khu vực như một trung tâm sản xuất nông sản chất lượng hàng đầu thế giới.