Thuận lợi tra cứu vi phạm
Theo Nghị định 151/2024/NĐ-CP, Bộ Công an xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về: đăng ký, quản lý xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ xe quân sự); xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tai nạn giao thông đường bộ; hành trình của phương tiện giao thông đường bộ, hình ảnh người lái xe (trừ xe quân sự); thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe (trừ xe quân sự); đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong Công an Nhân dân; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong Công an Nhân dân; người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong Công an Nhân dân;
Bộ GTVT xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ xe quân sự, xe Công an); đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (trừ lực lượng Quân đội, Công an); người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ lực lượng Quân đội, Công an);
Bộ Tài chính xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xe xuất khẩu, nhập khẩu; hóa đơn mua bán xe; lệ phí trước bạ xe; Bộ Quốc phòng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Nghị định cũng quy định, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Công an. Thông tin trong cơ sở dữ liệu bao gồm: thông tin về đăng ký, quản lý xe cơ giới, đối tượng và phương tiện vi phạm, hành vi, thời gian, địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt; thông tin người được cấp giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, hạng giấy phép lái xe, số điểm hiện có, số điểm bị trừ, số điểm còn lại; cơ quan ra quyết định xử phạt, trừ điểm…
Các chuyên gia đánh giá, việc xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm giao thông và chia sẻ liên ngành sẽ giúp quản lý chặt lái xe, phương tiện.
Với xe lưu thông trên đường, khi bị dừng để kiểm tra hoặc xử phạt, lực lượng chức năng chỉ cần nhập số giấy phép lái xe sẽ tra cứu được vi phạm trước đó của lái xe, lịch sử vi phạm của phương tiện.
Với xe đi đăng kiểm, các cơ sở đăng kiểm đồng thời tra cứu cảnh báo phương tiện trên cả phần mềm Cảnh báo xe cơ giới của Cục đăng kiểm và phần mềm tra cứu của Cục CSGT, Bộ Công an. Nếu có cảnh báo liên quan đến vi phạm hành chính, cơ sở đăng kiểm yêu cầu chủ phương tiện xuất trình các văn bản khắc phục/nộp phạt làm cơ sở để cảnh báo hoặc gỡ cảnh báo phương tiện, tiếp nhận kiểm định hoặc chối kiểm định.
Ngăn ngừa sớm tai nạn
Theo đại diện Cục CSGT, việc không chấp hành nghiêm Luật Trật tự, ATGT giao thông là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn trên đường. Nhằm tăng tính răn đe, góp phần chấn chỉnh ý thức người tham gia giao thông và kéo giảm tai nạn, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng nặng mức xử phạt từ vài lần đến vài chục lần với nhóm các hành vi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông như: Đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc, dùng điện thoại khi lái xe, vượt đèn đỏ…
Hiện nay, việc tăng chế tài xử phạt cùng với tuần tra, kiểm soát và xử lý trực tiếp vi phạm trên đường, cùng đó là trích xuất dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình trong cabin với ô tô để xử phạt đã bước đầu cho thấy những chuyển biến của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, lực lượng chức năng chỉ cần nhập số giấy phép lái xe là có thể tra cứu được vi phạm trước đó của tài xế, thời gian, địa điểm vi phạm, hình thức xử phạt; tra cứu biển số xe là có thể thấy được lịch sử vi phạm của phương tiện, DN quản lý phương tiện.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng có quyền khai thác các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được chia sẻ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, các ứng dụng của lực lượng CSGT trên môi trường điện tử và các hình thức khai thác khác theo quy định của pháp luật.
Đây là căn cứ vô cùng quan trọng và hữu ích giúp lực lượng chức năng xử phạt các trường hợp lái xe và DN vận tải tái phạm nhiều lần, đưa ra cảnh báo với các DN, lái xe vi phạm, chặn sớm nguy cơ gây tai nạn.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, hiện nay, dù việc tăng nặng mức xử phạt đã giúp tình trạng vi phạm giao thông có chuyển biển, nhưng vẫn còn tồn tại việc các tài xế tái phạm cùng một lỗi hoặc các lỗi khác nhau trong quá trình tham gia giao thông sau khi bị xử phạt.
Khi có cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, lực lượng CSGT có thể tra cứu được lỗi vi phạm trước đó của tài xế, từ đó tiến hành truy phạt hoặc xem xét áp dụng mức phạt cao nhất đối với hành vi tái phạm cùng một lỗi, tăng tính răn đe với lái xe, DN vận tải.
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng có thể gửi nhắc nhở, cảnh báo tới lái xe, doanh nghiệp hoặc Sở GTVT các địa phương, các cơ sở đăng kiểm… về lỗi của lái xe, phương tiện. Đây cũng đồng thời là cơ sở cho việc cấp đổi hoặc thu hồi phù hiệu xe kinh doanh vận tải, cấp đổi giấy phép lái xe, tiếp nhận hay từ chối kiểm định với phương tiện chưa thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ.
Đối với các DN vận tải, việc được cảnh báo từ dữ liệu vi phạm cũng giúp lái xe, DN vận tải chấp hành nghiêm chỉnh hơn các quy định khi tham gia giao thông. Từ đó, không lái xe quá giờ, kiểm soát chặt tốc độ, tải trọng, đăng kiểm…để tránh bị phạt, ngăn ngừa từ sớm các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.