“Chiếc bánh” GDP và tiết kiệm chi

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ công và bội chi là vấn đề rất nan giải của năm nay. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề nan giải này lại là “chiếc bánh” GDP và tiết kiệm chi ngân sách.

GDP là cái gốc của thu ngân sách, đơn giản vì GDP được ví như “chiếc bánh”, nếu “chiếc bánh” này có to ra thì phần “chia” cho ngân sách Nhà nước (NSNN) mới to lên được. Điều nan giải chính là GDP 6 tháng đầu năm nay tăng thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm, đang được dự báo có khả năng không đạt được (mục tiêu về GDP cũng là cơ sở đề ra dự toán thu, chi NSNN). Không chỉ thấp hơn về tốc độ tăng (số lượng), mà có khả năng thấp hơn cả về hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP nếu năm trước đã xuống dưới 5 lần, thì khả năng năm nay sẽ cao hơn nhiều (6 tháng đầu năm đã ở mức gần 6 lần) - tức là hiệu quả đầu tư thấp xuống. Tốc độ tăng năng suất lao động nếu năm trước khá cao (6,36%), thì 6 tháng năm nay đạt thấp hơn nhiều (4,7%).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan tác động đến thu NSNN. Thu từ DN Nhà nước giảm (5,5%), trong khi thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,8%, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22,9%. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt thấp so với dự toán năm (41,9%) và giảm so với cùng kỳ (2,2%). Còn nguyên nhân chủ quan đó là việc tổ chức thực hiện, điều hành... Tình hình thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn còn phổ biến, nợ đọng thuế lớn và ngày càng gia tăng (nợ đọng thuế chiếm 7,5% tổng thu, cao so với khu vực - khoảng 5%)...

Cùng với việc tăng thu (trên cơ sở tăng tốc độ và chất lượng tăng trưởng GDP, chống thất thu, nợ đọng) là việc tiết kiệm chi - cái gốc để giảm nợ công và bội chi. Đơn giản vì nợ công và bội chi có mối quan hệ nhân quả: Nợ công gia tăng thì bội chi để trả nợ vốn và lãi; ngược lại bội chi tăng thì phải vay nợ để bù đắp. Lãng phí, thất thoát về chi ngân sách diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành, liên quan đến tài sản, đất đai, đầu tư công... Bộ máy cồng kềnh, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: “Chúng ta đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người”. Điều này đã làm cho tổng chi lương thì lớn, tỷ lệ chi hành chính sự nghiệp cao, nhưng tiền lương bình quân công chức thấp.

Đã xuất hiện một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn. Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, qua 4 năm mỗi năm lỗ 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7.000 tỷ đồng đã phải tạm dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng hiện phải bỏ hoang... Đây là những con số rất đáng phải suy nghĩ.