Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam: Du lịch biển là điểm nhấn

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch biển Việt Nam luôn là phân khúc nóng và trọng điểm trong xu hướng phát triển du lịch, nhờ sự hấp dẫn tự nhiên từ các yếu tố vượt trội về khí hậu, khả năng gắn kết các loại hình dịch vụ và đáp ứng ngày càng hoàn hảo hơn nhu cầu của du khách.

Lễ hội thả diều tại bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Thảo Phương  
Lễ hội thả diều tại bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Thảo Phương  

Nhiều lợi thế

Việt Nam có ưu thế và triển vọng là “điểm đến mới” trong phát triển du lịch biển kết hợp khám phá, nghỉ dưỡng nhờ có hơn 3.400km đường bờ biển và khoảng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những rặng san hô lộng lẫy, hệ động - thực vật biển phong phú, cùng nhiều danh thắng di sản du lịch thế giới.

Bờ biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận dài 1.897km, chiếm 65,3% tổng chiều dài bờ biển của Việt Nam, với hàng chục bãi biển đẹp nổi tiếng như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Lăng Cô, Non Nước, Cửa Ðại, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Ninh Chữ, Mũi Né...

Trong đó có những bãi biển được khách du lịch và các tổ chức quốc tế bình chọn vào top những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh như: Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Non Nước (Ðà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa)... Các đảo: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Tre (Khánh Hòa) từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến trong hành trình du lịch biển đảo Việt Nam.

Biển đảo miền Trung không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống mà còn là không gian để họ tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những "vỉa tầng" di sản văn hóa dày dạn, đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...

Cùng với đó là các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... mà cộng đồng cư dân biển đảo miền Trung đã gây dựng, phát triển và bảo lưu từ bao đời nay. Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch biển

Năm 2013, Tổng cục Du lịch đã phê duyện đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển với 4 quan điểm chính: Phát triển du lịch biển nhanh và bền vững; Ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; Phát triển du lịch biển phải luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng; Phát triển du lịch biển phải được đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ tới khẳng định, cần phát triển du lịch ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo tồn, khai thác sử dụng hiệu quả các di sản; chủ động và linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Phát triển những khu du lịch trọng điểm quốc gia đã được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Đặc biệt, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược biển 2030).

Nghị quyết lần này nhấn mạnh đến: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Trước giai đoạn dịch Covid-19, du lịch Việt Nam lập kỷ lục với việc đón 18 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2019, tăng 16,2% so với 2018 và lần đầu tiên vượt qua Indonesia. Theo thống kê các địa phương có lượng khách du lịch lớn, ngoài TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt vốn được xem là những “trọng điểm du lịch” của nước ta, thì các tỉnh thành vùng biển như Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc, Quy Nhơn cũng lần lượt góp mặt nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đường bộ, đường không và những dự án hạ tầng du lịch đẳng cấp.

Bất động sản nghỉ dưỡng - lực đẩy mạnh cho du lịch biển

Thực tế cả trong nước và thế giới đều cho thấy, sự phát triển và hiệu quả của du lịch biển cao cấp phụ tùy thuộc quan trọng vào bờ biển đẹp, khí hậu trong lành, môi trường thoáng đãng, sự đồng bộ và hiện đại hóa của cơ sở hạ tầng. Trong đó, nổi bật là giao thông thuận lợi và hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng, cùng sự đa dạng, chất lượng các dịch vụ tiện ích có sự quản lý chuyên nghiệp, bảo đảm đem lại giá trị nghỉ dưỡng tốt nhất cho du khách.

Theo xu hướng của thế giới, sự quan tâm của du khách và nhà đầu tư thay vì các nhà nghỉ dưỡng đơn lẻ, tự phát, sẽ dành nhiều hơn cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng, bảo đảm cung ứng dịch vụ đồng bộ - “Một điểm đến có tất cả”.

Các điểm du lịch này được tích hợp và tập trung nhiều tiện ích, đa công năng và phong phú chủng loại sản phẩm, vừa tổ hợp khép kín, vừa liên kết chuỗi, bao gồm dịch vụ y tế, công viên sinh thái, khu thương mại, chợ nghệ thuật, khách sạn… Hơn nữa, ưu thế và triển vọng tích cực luôn nghiêng về các sản phẩm bất động sản nằm trong quy hoạch, có đủ cơ sở pháp lý hợp lệ, có thiết kế đẹp, chất lượng xây dựng cao, bảo đảm tiến độ, với giá cả hợp lý và cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, kết nối và thuận lợi.

Các điểm nghỉ dưỡng này “tích hợp”, tập trung thành “các khu, đặc khu kinh tế nghỉ dưỡng xanh”. Trong đó coi trọng các yếu tố thân thiện môi trường và được vận hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao, đa dạng vừa du lịch, vừa khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng dài hạn của người dân, cũng như mọi yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quản lý Nhà nước.

Về tổng thể có thể nói, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp phù hợp với nhu cầu thị trường, hài hòa cảnh quan, coi trọng lợi ích khách hàng và thân thiện môi trường vừa là áp lực, vừa là động lực, cơ hội đầu tư mới, giúp hiện thực hóa tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch cho Việt Nam. Nếu phát triển tốt, Việt Nam sẽ là điểm đến mới trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng quốc tế.

 

Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng biển cao cấp, hiện đại vừa là áp lực, vừa là động lực và cơ hội đầu tư cả trung, dài hạn để phát triển du lịch biển nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

 

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển, nơi hiện tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá - lịch sử. Khu vực này cũng tập trung tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48 - 65% lượng khách du lịch ở Việt Nam.

Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch Việt Nam. Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.