KTĐT - Một trong những mục tiêu trọng tâm của Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Xây dựng công bố trong hội thảo ngày 25/1 tại Hà Nội là đặt trọng tâm vào đối tượng xã hội khó khăn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, Chiến lược tập trung vào các mục tiêu như: Cơ bản đáp ứng nhu cầu có chỗ ở phù hợp của nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng nhà ở; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trọng tâm của Chiến lược hướng tới là đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, sinh viên và các đối tượng chính sách khác mua, thuê mua hoặc thuê; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai và các hộ gia đình thuộc diện nghèo tại khu vực nông thôn.
Từ nay đến 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 21,5m2 sàn/người, 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở trong ký túc xá và 50% công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở trong các dự án nhà ở dành cho công nhân. Các con số tương ứng đến năm 2020: Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 25m2 sàn/người, khoảng 80% sinh viên được thuê nhà và 60% công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với 9 nhóm giải pháp lớn khác, Dự thảo Chiến lược đề ra nhóm giải pháp cụ thể hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách xã hội. Theo đó, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được thông qua hình thức hỗ trợ bằng tiền (từ nguồn ngân sách nhà nước), được miễn, giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc khi được Nhà nước giao đất ở.
Với người nghèo khu vực nông thôn và hộ nghèo đô thị đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ áp dụng theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tự làm. Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng; công nhân lao động trong các khu công nghiệp, việc hỗ trợ theo nguyên tắc kết hợp giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng nhà ở cho thuê.
Với cán bộ, công chức, viên thuộc diện luân chuyển về công tác tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước đầu tư từ ngân sách xây dựng quỹ nhà ở công vụ để cho thuê theo giá Nhà nước quy định. Nhà nước sẽ trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê; đồng thời ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở giá thấp để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với đối tượng hưởng lương ngân sách (có thu nhập thấp).
Tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo chiến lược cần tập trung đến tính khả thi bởi nếu không có chính sách, biện pháp cụ thể thì việc thực hiện khó đạt yêu cầu như mong muốn. Còn đại điện Bộ Tài chính khẳng định dự thảo cần đặc biệt chú ý đến giải pháp đưa quy hoạch đi trước một bước.
Trong giai đoạn 1991-2000, diện tích nhà ở trong cả nước đã tăng khoảng 71 triệu m2 (từ 629 triệu m2 lên trên 700 triệu m2). Giai đoạn từ năm 2000 đến 2009, cả nước đã phát triển được thêm khoảng 706 triệu m2 , với diện tích bình quân đầu đạt hơn 16,7m2/người (tăng gần gấp đôi so với diện tích bình quân năm 1999 là 9,68m2/người).