Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo AI của Trung Quốc

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ai dẫn dắt cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo AI sẽ thống trị thế giới, nhận thức được điều đó nên các cường quốc Mỹ, Trung Quốc đều sớm bắt tay vào lĩnh vực này. Người Mỹ đã trình làng Chat GPT nhưng Trung Quốc cũng có những động thái cho thấy mình không hề lép vế.

Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo AI của Trung Quốc có 3 giai đoạn và quyết dẫn đầu thế giới vào năm 2030.
Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo AI của Trung Quốc có 3 giai đoạn và quyết dẫn đầu thế giới vào năm 2030.

Cuối những năm 1970 sau cải cách kinh tế, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình nổi tiếng với tuyên bố của mình, "khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính". Bài phát biểu của ông đã thể hiện những quyết tâm của Trung Quốc đối với đổi mới công nghệ. Từ định hướng này, Chính phủ Trung Quốc đã có sự đầu tư bài bản về nhân sự, hành lang pháp lý và kinh phí nghiên cứu khiến cho AI phát triển với tốc độ nhanh, trọng tâm tại quốc gia này. 

Hơn 4 thập kỷ phát triển AI

Tháng 9/1981, Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc (CAAI) chính thức được thành lập, do ông Qin Yuanxun, người đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Havard đứng đầu. Hơn 4 thập kỷ qua, đây vẫn là tổ chức duy nhất của Trung Quốc được giao nhiệm vụ nghiên cứu AI và khoa học tình báo. Năm 1987, ấn phẩm nghiên cứu đầu tiên của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo được xuất bản bởi Đại học Thanh Hoa. 

Bắt đầu từ năm 1993, tự động hóa thông minh và trí tuệ thông minh đã là một phần trong kế hoạch công nghệ quốc gia của Trung Quốc. Kể từ những năm 2000, Trung Quốc đã tiếp tục mở rộng quỹ R&D cho AI và số lượng các dự án nghiên cứu do chính phủ tài trợ đã tăng lên đáng kể. Năm 2006, Trung Quốc công bố chính sách ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, được đưa vào Kế hoạch trung và dài hạn quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ (2006–2020).

Lộ trình phát triển trí tuệ nhân tạo AI của Trung Quốc. Ảnh NHK
Lộ trình phát triển trí tuệ nhân tạo AI của Trung Quốc. Ảnh NHK

Trung Quốc tỏ ra lo lắng về việc đảm bảo vị trí thống trị công nghệ thế giới – Trung Quốc đã bỏ lỡ cả 2 cuộc cách mạng công nghiệp, cuộc cách mạng bắt đầu ở Anh vào giữa thế kỷ 18 và cuộc cách mạng bắt nguồn ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Nên Chính phủ Trung Quốc theo đuổi chiến lược AI của mình bao gồm tiềm năng của trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi công nghiệp, quản trị xã hội tốt hơn và duy trì ổn định xã hội. 

Bảo mật dữ liệu là chủ đề được bàn nhiều nhất trong cuộc thảo luận về đạo đức AI trên toàn thế giới. Nhiều Chính phủ ở các quốc gia đã thiết lập luật giải quyết quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Luật An ninh mạng của Trung Quốc ban hành vào năm 2017 đã giải quyết những thách thức mới do sự phát triển của AI. Tài liệu này bao gồm các phần về quảng bá an ninh mạng, bảo mật vận hành mạng, bảo mật thông tin, ứng phó khẩn cấp và trách nhiệm pháp lý.

Vào năm 2021, Trung Quốc đã công bố luật quốc gia đầu tiên giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến AI, có tên Luật bảo mật dữ liệu và Quy tắc đạo đức trí tuệ nhân tạo thế hệ mới. Điều này cho thấy Trung Quốc đã có một hành lang pháp lý đủ lạnh để phát triển và ứng dụng AI trong kinh tế-xã hội.

Ai sẽ thẳng trong cuộc đua AI? Ảnh TA.
Ai sẽ thẳng trong cuộc đua AI? Ảnh TA.

Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã chi ngân sách 2,1 tỷ USD thành lập Khu công nghiệp AI ở quận Mentougou, phía tây Bắc Kinh, cách trung tâm thủ đô của Trung Quốc khoảng 30km và đến nay đã có thêm 14 thành phố khác tham gia vào cuộc đua AI. Trọng tâm của AI R&D của Trung Quốc khác nhau tùy thuộc vào các thành phố và hệ sinh thái và phát triển công nghiệp địa phương. Chẳng hạn, Tô Châu, một thành phố có ngành sản xuất phát triển mạnh lâu đời, tập trung nhiều vào tự động hóa và cơ sở hạ tầng AI trong khi Vũ Hán tập trung nhiều hơn vào triển khai AI và lĩnh vực giáo dục.

Mục tiêu dẫn đầu thế giới vào năm 2030

Mục tiêu Trung Quốc là nghiên cứu và có những đóng góp cơ bản cho lý thuyết AI cơ bản và củng cố vị trí dẫn đầu toàn cầu về nghiên cứu AI vào năm 2025, AI trở thành "động lực chính để nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc". Đến năm 2030, Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phát triển lý thuyết và công nghệ trí tuệ nhân tạo. 

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng sẽ phát triển một "hệ thống công nghệ và lý thuyết AI thế hệ mới hoàn thiện". Tính đến năm năm 2021, thị trường trí tuệ nhân tạo trị giá khoảng 150 tỷ Nhân dân tệ (23,196 tỷ USD) và con số đó dự kiến ​​sẽ đạt 400 tỷ Nhân dân tệ (61,855 tỷ USD) vào năm 2025.

Các nhà phân tích ước tính rằng sự phát triển AI của Trung Quốc sẽ đóng góp tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 0,8% đến 1,4% cho nền kinh tế Trung Quốc. Nên nhớ năm 2022 GDP của nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới này đạt hơn 121.020 tỷ Nhân dân tệ (17.950 tỷ USD) thì mới thấy giá trị tuyệt đối của AI đem lại cho quốc gia này là những con số khiến chúng ta phải khâm phục.

 

Mục tiêu 2030

Trung Quốc đã công bố mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về AI toàn cầu vào năm 2030 và tăng giá trị ngành AI của nước này lên hơn 1 nghìn tỷ RMB trong cùng năm. 

Trung Quốc đã chia mục tiêu này thành 3 giai đoạn, lần lượt đặt ra các tiêu chuẩn cho năm 2020, 2025 và 2030, cũng như đưa ra một số chính sách, bao gồm "Internet + AI" và "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới", để khuyến khích tăng trưởng ngành.

Hiện Trung Quốc bao gồm 15 công ty chuyên về AI, có thể kể đến các tên tuổi như Baidu, Tencent, Alibaba, SenseTime và iFlytek, chỉ tính riêng năm 2019, quốc gia này đã có thêm 10 công ty tuyên bố tham gia vào cuộc đua AI cho thấy khả năng thống lĩnh AI của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Mỗi công ty Trung Quốc đều có nhiệm vụ dẫn đầu sự phát triển của một lĩnh vực AI chuyên biệt được chỉ định, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, phần mềm/phần cứng và trí thông minh bằng giọng nói.

Sự phát triển AI nhanh chóng của Trung Quốc đã tác động đáng kể đến xã hội Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế xã hội, quân sự và chính trị. Nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống, và sản xuất hàng tiêu dùng là những ngành hàng đầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp tục triển khai AI.

Sự vươn lên mạnh mẽ

Trước đây Facebook, Twitter,.. của Mỹ thống trị toàn cầu của thị trường giải trí, tin tức, hình ảnh. Tuy nhiên những năm gần đây Tiktok của Trung Quốc đã ứng dụng AI để nắm bắt và gợi ý video cho người dùng cực tốt. Về mặt này AI của Tiktok đã vượt rất xa Facebook và giúp Tiktok vươn lên mạnh mẽ chiếm đáng kể thị phần của Facebook, một ví dụ cụ thể khiến cho các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Mỹ phải dè chừng.

Các công ty Trung Quốc đang tham gia cuộc đua AI. Ảnh TA
Các công ty Trung Quốc đang tham gia cuộc đua AI. Ảnh TA

Về khả năng nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc thì đến người Mỹ, Canada những quốc gia được cho là phát triển AI hàng đầu thế giới cũng phải gờm. Tiến sĩ Đỗ Cao Bảo - sáng lập viên Tập đoàn FPT cho biết: “Hiện tại 2 máy tính lượng tử có tốc độ tính toán nhanh nhất thế giới đều của Trung Quốc.

Máy tính lượng tử 56 quibit Zuchongzi của Trung Quốc đã hoàn thành một con tính phức tạp trong 1,2 giờ, một công việc mà người ta ước tính Siêu máy tính Summit của IBM sẽ mất ít nhất 8,2 năm để hoàn thành. Mà máy tính lượng tử của Trung Quốc lại không dùng các con chip thông thường của Mỹ. Thực tình, không hiểu Trung Quốc chế tạo cách nào. Nếu vậy chưa chắc chip đã là rào cản đủ lớn để ngăn được Trung Quốc phát triển AI”.

Các chuyên gia AI cho rằng Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào tất cả các khía cạnh phát triển AI, thì nhận dạng khuôn mặt, công nghệ sinh học, điện toán lượng tử, trí thông minh y tế và xe tự hành là những lĩnh vực AI được Chính phủ Trung Quốc quan tâm và tài trợ nhiều nhất. Năm 2004, Đại học Bắc Kinh đã giới thiệu khóa học đầu tiên về AI khiến các trường đại học khác của Trung Quốc ngay sau đó đã chấp nhận AI như một môn học chính thống để đáp ứng xu thế thời đại.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân các chuyên gia và nhà nghiên cứu AI. Nếu giữ chân được các chuyên gia hàng đầu về AI thì dù Mỹ là quốc gia trình làng ChatGPT nhưng  Trung Quốc vẫn sẽ là đối thủ đáng gờm cho bất cứ quốc gia nào.