Trước hết, cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị trong dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn 2024. Bà có thể cho biết những đánh giá của bà về thị trường tài chính BĐS Việt Nam thời gian gần đây?
- Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể qua các năm. Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam, ngành BĐS thường đứng thứ hai về thu hút vốn FDI. Thị trường cũng chứng kiến sự sôi động trong hoạt động M&A với một số giao dịch lớn gần đây, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Sự phát triển trong lĩnh vực BĐS đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giúp Việt Nam thành điểm đến đầu tư BĐS. Đặc biệt, Quỹ tín thác đầu tư BĐS Thái Lan (SHREIT) đã hoàn thành các thương vụ bán khách sạn lớn IBIS Saigon South Hotel và Capri by Frasers Hotel tại TP Hồ Chí Minh cho Công ty LT Rubicon có trụ sở ở Anh với giá khoảng 33 triệu USD.
Trong một thương vụ khác, Keppel Land đã ký các thỏa thuận chính thức để mua lại từ Khang Dien Group 49% cổ phần trong hai dự án nhà ở liền kề tại Thủ Đức với tổng giá trị khoảng 136 triệu USD; Thomson Medical Group có trụ sở tại Singapore đã đồng ý mua bệnh viện FV tại TP Hồ Chí Minh với giá 381,4 triệu USD... Tuy nhiên, qua những nghiên cứ thị trường, chúng tôi nhận thấy DN BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận những định hướng vốn đầu tư toàn cầu.
Những định hướng vốn đầu tư toàn cầu mà bà muốn nói đến ở đây là gì?
- Bối cảnh đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực BĐS đang cạnh tranh cao, các chủ đầu tư tranh giành vốn từ nhiều nguồn tài chính khác nhau không phải từ ngân hàng, bao gồm quỹ tư nhân, quỹ đầu tư quốc gia (SWF), Tổ chức Tài chính Quốc tế như IFC, quỹ tín thác đầu tư BĐS (REITs) và Quỹ Phòng hộ. Những dự án này có thể thúc đẩy tương tác xã hội, hoạt động kinh tế và đổi mới không gian đô thị.
Mỗi loại quỹ đầu tư này đều có đặc điểm riêng, khẩu vị rủi ro và tiêu chí đầu tư riêng. Việc hiểu rõ những sự khác biệt này là quan trọng để nhà phát triển BĐS Việt Nam có thể xác định đối tác phù hợp và điều chỉnh đề xuất đầu tư của họ một cách thích hợp.
Ví dụ, mối quan hệ hợp tác cho sự phát triển của quỹ đầu tư tư nhân cung cấp cho các chủ đầu tư BĐS Việt Nam nguồn “vốn kiên nhẫn” (patient capital), những quỹ này thường đầu tư vào các công ty không niêm yết, có nhiều tiềm năng, họ giúp cho chủ đầu tư nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm chuyên môn để triển khai những dự án lớn và mở rộng được quy mô. Quỹ đầu tư quốc gia, được quản lý bởi Chính phủ, thường tìm kiếm những đầu tư dài hạn phù hợp với các mục tiêu phát triển quốc gia. Chủ đầu tư BĐS Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này bằng cách điều chỉnh dự án của họ theo hướng mục tiêu ưu tiên từ Chính phủ.
Đối với nguồn vốn từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFIs), trong bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ, đặc biệt là ở khu vực thành thị, IFIs đang đầu tư vào dự án cung cấp lựa chọn nhà ở chất lượng cao, giá cả phải chăng cho hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình. Quỹ tín thác đầu tư BĐS (REITs) cung cấp cho chủ đầu tư BĐS một chiến lược thoái vốn, thanh khoản tài sản tạo ra dòng tiền. Các nhà phát triển BĐS có thể tận dụng để mở khóa thanh khoản, đa dạng hóa danh mục và thu hút nhiều đối tượng nhà đầu tư hơn...
Vậy để thu hút hiệu quả nguồn vốn này thì DN BĐS Việt Nam cần phải làm gì, thưa bà?
- Việc thu hút vốn toàn cầu sẽ trở thành nguồn vốn chiến lược cho DN BĐS Việt Nam. Nhưng để thu hút hiệu quả vốn đầu tư toàn cầu, các nhà phát triển BĐS Việt Nam cần áp dụng một phương pháp toàn diện bao gồm: xây dựng lịch sử hoạt động tích cực, nhất quán với những dự án thành công, triển khai dự án chất lượng là quan trọng, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tiềm năng. Chủ đầu tư dự án phải có một đội ngũ quản lý giỏi, nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là phải xây dựng đề xuất đầu tư hấp dẫn, dự án phải có một kế hoạch tài chính vững chắc với một lộ trình thu lại lợi nhuận rõ ràng.
Việc thúc đẩy sự minh bạch và quản trị cũng là yếu tố rất quan trọng. Đồng thời thiết lập các hoạt động quản lý tài chính chắc chắn, bao gồm báo cáo tài chính chính xác và phương pháp đánh giá rủi ro, chứng tỏ sự thận trọng tài chính của chủ đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, DN cũng cần phải đưa các nguyên tắc bền vững vào thiết kế, xây dựng dự án tương thích với các xu hướng toàn cầu và thu hút nhà đầu tư tập trung vào yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), dự án phải giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy các lợi ích xã hội...
Xin cảm ơn bà!