Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến sĩ cảnh sát cơ động kêu gọi làm hàng nghìn mũ kính chống giọt bắn: Món quả nhỏ, ý nghĩa lớn

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắm bắt được nhu cầu đồ bảo hộ cho y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 rất lớn, anh Lê Văn Ba - Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP Hà Nội) cùng nhóm thiện nguyện Chia sẻ yêu thương đã tự tay làm hàng nghìn chiếc mũ kính chống giọt bắn để gửi tặng những “chiến sĩ áo trắng” tại các trung tâm y tế quận, huyện của Thủ đô.

Việc làm thiết thực từ thực tế chống dịch
Do đang thực hiện cách ly toàn xã hội, anh Lê Văn Ba cùng mỗi thành viên trong nhóm Chia sẻ yêu thương phụ trách một công đoạn để làm mũ kính chống giọt bắn. Người cắt mika, người dán logo, người buộc dây, người hoàn thiện. Thậm chí, thành viên của các gia đình từ người già đến trẻ nhỏ cũng rất hào hứng và chung tay để tăng năng suất làm mũ.
Chỉ trong vài ngày, “xưởng sản xuất” tự nguyện của nhóm Chia sẻ yêu thương đã làm ra 2.000 chiếc mũ kính chống giọt bắn. Đến nay, hàng ngàn chiếc mũ đã được trao đến tay các y bác sĩ tại các cơ sở (mỗi cơ sở khoảng từ 200 - 300 chiếc) như các Trung tâm y tế (TTYT) quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, huyện Gia Lâm, BV Phục hồi chức năng, BV Dã chiến 1 và 2 - Bắc Giang...
 Nhóm Chia sẻ yêu thương trao tặng những chiếc mũ kính chống giọt bắn cho cán bộ tại Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm.
Anh Lê Văn Ba cho hay, để làm một chiếc mũ kính chống giọt bắn không hề khó. Nguyên liệu, dụng cụ dễ tìm, thời gian để làm ra một chiếc mũ không lâu, giá thành mỗi sản phẩm khoảng 5.500 đồng/cái… song, công dụng và ý nghĩa của nó lại rất lớn đối với đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Nhận thấy việc làm thiết thực đó, nhiều người trên mạng xã hội Facebook đã và đang tiếp tục ủng hộ cho nhóm Chia sẻ yêu thương. Do đó, ngoài kinh phí mà các thành viên trong nhóm đóng góp, mỗi ngày, anh Ba còn nhận được kinh phí ủng hộ của nhiều người qua số tài khoản.
“Đây là niềm động viên, cổ vũ rất lớn để chúng tôi tiếp tục làm những chiếc mũ kính chống giọt bắn và chuẩn bị thêm những đồ bảo hộ cần thiết khác cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống dịch, bởi hiện nay nhu cầu vẫn rất lớn” - anh Ba chia sẻ. Dự kiến, anh Ba và nhóm Chia sẻ yêu thương sẽ làm 10.000 chiếc mũ kính chống giọt bắn. 
 Anh Lê Văn Ba cùng các thành viên trong nhóm Chia sẻ yêu thương tự tay làm mũ kính chống giọt bắn.
Góp sức đập tan “giặc dịch”
Ở đâu cần, ở đâu khó đều có thanh niên và những chiến sĩ công an trẻ như anh Ba. Ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, anh Lê Văn Ba và những đồng đội, các nhóm thiện nguyện đã kêu gọi, cùng nhau góp sức để mua hàng chục nghìn khẩu trang y tế tặng bệnh nhân tại một số bệnh viện tại Hà Nội và người dân. Khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, anh Ba cũng tham gia cùng một số nhóm thiện nguyện khác để kêu gọi ủng hộ đồ tiếp tế cho lực lượng chống dịch tại BV Bạch Mai và một số nơi cần.
“Tôi thấy mình vẫn chưa làm được gì nhiều” - anh Ba nói và cho rằng những việc làm trên còn quá nhỏ bé so với những gì những bạn trẻ là sinh viên trường y, là bộ đội, công an đang tình nguyện đóng góp công sức để cùng toàn xã hội đẩy lùi dịch Covid-19.
 Anh Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội rất tâm huyết với những việc thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng.
Cuộc chiến với “giặc dịch” Covid-19 vẫn còn kéo dài, diễn biến khó lường và chưa thể dự báo khi nào kết thúc. Chỉ cần mỗi người đều có ý thức, có đóng góp dù nhỏ như những gì mà anh Ba và các nhóm thiện nguyện, tình nguyện vẫn đang làm, đó sẽ là nguồn cổ vũ vô cùng lớn cho các cán bộ, bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch vẫn đang ngày đêm gồng mình chiến đấu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Anh Lê Văn Ba, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tuyên dương gương thanh niên Cảnh sát cơ động tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Từ năm 2017 đến nay, anh Ba cùng nhóm Chia sẻ yêu thương duy trì việc phát 250 suất cháo, xôi và sữa cho các bệnh nhân nghèo tại BV K Hà Nội và BV Việt Đức vào sáng thứ Bảy hàng tuần.