Từ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở về tiếp quản Thủ đô
Cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước (sống tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) năm nay đã bước sang tuổi 98, trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông hào sảng kể về những ngày tháng lịch sử, những ngày bộ đội Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102, Sư đoàn 308) nhận nhiệm vụ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhận nhiệm vụ tham gia đánh trận Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rất phấn khởi, là bộ đội xung kích, ông Nguyễn Văn Tước trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không những cầm súng ra chiến trận mà các chiến sĩ Điện Biên còn trực tiếp tham gia đào chiến hào vây lấn ở khu vực vùng núi để đánh chắc thắng.
“Chúng tôi không bao giờ quên được những trận đánh tại Him Lam, Hồng Cúm, Mường Thanh, đồi A1… Trực tiếp cầm súng chiến đấu, có những thời điểm chúng tôi phải đánh giáp lá cà, giật súng của địch, kiên quyết bảo vệ trận địa…” - chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tước hồi tưởng lại.
Giành thắng lợi lịch sử tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Thủ đô trong đội hình Đại đoàn Quân Tiên phong được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trước ngày về tiếp quản, sáng 19/9/1954, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và một số đơn vị trực thuộc Đại đoàn được gặp Bác Hồ tại cửa đền Giếng, khu di tích Đền Hùng.
Dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng những lời Bác dạy hôm đó luôn được cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước khắc cốt, ghi tâm: “Trước đây các chú ra trận chiến đấu với phi cơ, đại bác, xe tăng thì bất khuất nhưng bây giờ trước những viên đạn không thấy, các chú có thể bị quỵ ngã nếu không nêu cao kỷ luật…”. Ông Nguyễn Văn Tước nhớ lại, trong cuộc trò chuyện, Bác Hồ nói rất kỹ về việc phải giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ gìn nền nếp, tác phong, kỷ luật của quân đội. Đồng thời căn dặn các cán bộ, chiến sĩ: “các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô cùng các đơn vị trong Đại đoàn với tư thế của người chiến thắng, đội ngũ chỉnh tề hùng dũng tiến vào giải phóng Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hà Nội.
“Sau khi tiếp quản, Đại đội 263, Tiểu đoàn 18 chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tổ chức chốt ở 2 đầu cầu, tuần tra kiểm soát. Trong ngày 10/10/1954, nhận tiếp quản cầu Long Biên, chúng tôi trực tiếp treo cờ Tổ quốc lên cầu, trong lòng trào dâng niềm tự hào. Đứng trước lá cờ, chúng tôi đã thề, dù khó khăn đến đâu, vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước nhớ lại.
Nhiệm vụ khó có thanh niên xung phong
Ở tuổi 90, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Khắc Lộng, hiện đang sinh sống tại quận Hoàng Mai vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia phục vụ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đến được trận địa phục vụ, ông cùng các TNXP phải đi bộ hơn 300km, vượt qua hàng chục “chảo lửa” trên đường hành quân.
Là y tá phục vụ cứu chữa cho TNXP bị thương ở ngã ba Cò Nòi, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tuyến từ đèo Chẹn qua ngã ba Cò Nòi đến T100. Dù đêm hay ngày, khi có người bị thương, ông phải tìm đường đến để cấp cứu, nhẹ thì sơ cứu rồi theo dõi, nặng thì phải tổ chức chuyển các thương binh về tuyến sau để cứu chữa.
Ngoài nhiệm vụ cứu thương, ông tham gia cùng các TNXP đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch. “Sau mỗi trận đánh của địch, chúng tôi tập trung gánh đá, vá đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Cuộc chiến của của chúng tôi ở tại các cung đường đèo núi, thác ghềnh, cầu phà để đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch” - ông Trần Khắc Lộng nhớ lại.
Người chiến sĩ TNXP năm ấy đã phấn đấu rèn luyện, cống hiến phục vụ Tổ quốc và Nhân dân, cho ngành y nước nhà. Trong khoảng thời gian từ tháng 8/1992 đến tháng 7/1997, ông Trần Khắc Lộng được giao trọng trách Giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam, người mở đường xây dựng quỹ Bảo hiểm y tế ở Việt Nam thành công. Đó là những cống hiến mang truyền thống tinh thần của TNXP “Không có việc gì khó” như Bác Hồ từng dạy.
Nhớ lại những ngày tháng tham gia chiến dịch đầy gian khổ, ác liệt, cựu TNXP Nguyễn Hữu Ái (88 tuổi, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, ở tuổi 17, ông trực tiếp đi từ quê nhà huyện Đô Lương (Nghệ An) cùng hàng trăm TNXP ngày đêm hành quân để tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong suốt Chiến dịch, ông Nguyễn Hữu Ái cùng đồng đội được giao nhiệm vụ làm đường, vá đường, bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến dịch; đồng thời trực tiếp tham gia rà phá bom mìn, vận chuyển vũ khí…
Kỷ niệm ông nhớ lại khi đang sửa chữa đường ở đèo Lũng Lô (tỉnh Yên Bái) - con đường huyết mạch góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, địch thả bom điên cuồng xuống tuyến đường khiến 2 đồng đội của ông đã hy sinh. Thế nhưng, mọi khó khăn, gian khổ trên chiến trường năm ấy không quật ngã được tinh thần thép của những người TNXP. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cựu TNXP Nguyễn Hữu Ái đã ở lại Điện Biên lập nghiệp, đến năm 1966 mới chuyển về Hà Nội.
70 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời của các chiến sĩ Điện Biên, TNXP năm xưa. Những ký ức đẹp đó là minh chứng sinh động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để nhắc nhở về lòng biết ơn, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về bài học cách mạng sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.