Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể gây hậu quả tồi tệ hơn Thế chiến 1”

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là lời cảnh báo của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài gần 18 tháng vẫn chưa được “tháo ngòi”.

Phát biểu tại một diễn đàn do hãng Bloomberg Media tổ chức tại Bắc Kinh hôm 21/11, cựu Ngoại trưởng Kissinger nói rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột còn lớn hơn cả Thế chiến I nếu không có những bước đi phòng tránh cẩn  thận.
 Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. 
Theo ông Kissinger, với mối quan hệ kinh tế và tài chính gắn bó chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài sẽ càng rối loạn các chuỗi nguồn cung toàn cầu, khiến giới đầu tư lo ngại, làm gia tăng rủi ro đối với kinh tế toàn cầu.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói rằng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chỉ có thể được giải quyết nếu “hai bên tìm cách vượt qua những bất đồng của mình”.
 “Lúc này vẫn còn chưa quá muộn, khi chúng ta mới đang ở điểm xuất phát của một cuộc Chiến tranh Lạnh”, ông Kissinger nhấn mạnh. Cựu Ngoại trưởng Kissinger khẳng định việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là “cần thiết” để tránh thảm họa xảy ra.
“Nếu ta để xung đột tiếp diễn một cách không có kiểm soát, hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn những gì đã từng xảy ra ở châu Âu. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã bùng nổ chỉ vì một cuộc khủng hoảng nhỏ mà các bên không thể dập tắt được”, ông Kissinger nói.
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo dài hơn 17 tháng qua, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Mỹ áp thuế lên 350 tỷ hàng hóa Trung Quốc xuất sang nước này và đe dọa sẽ đánh thuế nhiều hơn nữa, đang gây áp lực không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6% trong quý III/2019, mức thấp nhất kể từ năm 1993.
Dự báo Kinh tế Toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10 vừa qua cho biết, có khả năng mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 sẽ chỉ khoảng 5,8%, cũng như thương chiến và mức nợ tăng sẽ vẫn là lực cản. 
Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại, báo cáo từ Tạp chí Phố Wall hôm 21/11 cho biết Trung Quốc đã có lời mời các nhà đàm phán thương mại Mỹ tới Bắc Kinh để họp bàn, với hy vọng việc họp bàn sẽ được tiến hành trước dịp lễ Tạ ơn.
Tuy nhiên tới nay, phía Mỹ vẫn chưa trả lời về việc chấp nhận lời mời hay không. Phía Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các mức áp thuế như một phần của thỏa thuận ‘bước 1’, nhưng ông Trump từ chối./.