Di tích Thành cổ tọa lạc giữa lòng thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách TP Đông Hà 12km về phía Nam, cách Quốc lộ 1A 2km về phía đông. Đây là 1 trong 8 di tích thành phần thuộc di tích Quốc gia đặc biệt “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972”, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013.
Trong suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972) chiến đấu ác liệt đó, trên toàn bộ khu vực Thành cổ và Thị xã Quảng Trị, chỉ với 3km2, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, từng cỏ cây Thành cổ.
Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một trang vàng chói lọi trong sự kính phục của Nhân dân thế giới, trở thành một di sản lịch sử, văn hóa tiêu biểu của đất nước, một tượng đài về khát vọng độc lập vì hòa bình. Với những con hạc giấy mà chính tay Ngài Akagi Tasuo, Nghị sĩ kiêm Tổng thư ký Hiệp hội hòa bình và hữu nghị Hiroshima - Việt Nam (HVPF) tự xếp gửi tặng đến Thành cổ như niềm tôn kính với những mất mát, hy sinh của các chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do. Hạc là biểu tượng cho khát vọng hòa bình của Nhân dân Nhật Bản đối với toàn thể nhân loại.
Ở giữa trung tâm di tích là Đài tưởng niệm với mô hình như ngôi mộ chung cho hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm lịch sử với triết lý âm dương ngũ hành. Bên trong Đài tưởng niệm rỗng có 2 trục đường chính từ 4 phương giao về, là nơi hội tụ anh linh của các chiến sĩ về với nấm mồ chung. Với triết lý âm dương giao thoa, rằng âm dương không cách biệt, như chúng ta đang được sống trong hòa bình, đời đời nhớ ơn các liệt sĩ.
Trên Đài tưởng niệm là biểu tượng cây thiên mệnh có chức năng thiêng liêng làm mạch nối giữa trời và đất, để chuyển tải linh hồn của các chiến sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất này siêu thoát ở cõi vĩnh hằng. Trên đỉnh của cây thiên mệnh có biểu tượng ngọn lửa với ý nghĩa ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đài tưởng niệm còn có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Cùng bên ngoài tầng lưỡng nghi là 81 bức phù điêu theo chiều ngược kim đồng hồ là 81 tờ lịch ghi lại 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972.
Chính giữa lòng đài tưởng niệm có đặt hành trang giản dị của người lính: Một chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, một bi-đông nước, một balô, một cái xẻng và khẩu súng AK. Chỉ với ngần ấy, các anh đã tạo nên những chiến công vang dội ở Thành cổ Quảng Trị và đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang sử hào hùng.
Bên trong khuôn viên còn có tượng đài Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Đây là nơi tưởng niệm những người lính trẻ trước lúc nhập ngũ là sinh viên các trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đai học Bách khoa Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất… một lớp thanh niên lứa mười chiến, đôi mươi theo tiếng gọi núi sông lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước và vĩnh viễn nằm lại nơi đây không một tấm bia, không một dòng địa chỉ.
Trong những ngày cuối năm, để đón người dân, các đoàn đến thăm viếng và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngã xuống, Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị đã tổ chức chỉnh trang sạch sẽ. Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban quản lý di tích Thành cổ tự mình bày biện, sửa sang chuẩn bị cho buổi lễ. Mọi thứ cần phải tươm tất, kính cẩn trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ.
Từ cán bộ đến hướng dẫn viên nơi đây cũng trở thành những người lao động tự mình dọn dẹp, sửa sang với những công việc nặng nhọc. Mọi người đều cố gắng sửa sang để các anh linh liệt sĩ đón Tết ấm cúng cũng như phục vụ những dòng người đến dâng hương trong dịp này.
Cùng với Ban quản lý, những chiến sĩ Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị) cũng có mặt để quét dọn, chỉnh lại chậu cây, sửa lại luống hoa. Bước chân của các chiến sĩ đi nhẹ giữa mảnh đất thấm màu đào của cha anh.
Theo Ban quản lý di tích, trong những ngày cuối năm và ngay sau thời khắc giao thừa, người dân Quảng Trị chọn nơi đây là điểm đến đầu tiên. Những nén hương thơm dâng lên như lời tri ân, biết ơn đến những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do, hòa bình cho hôm nay.
Đây cũng là điểm đến của các bạn trẻ để trải qua những cảm giác yên bình giữa chốn xanh ngút ngàn của Thành cổ.
Giờ đây, Thành cổ với màu xanh đầy bình yên nằm giữa lòng khu đô thị trẻ sầm uất - Thị xã Quảng Trị bên dòng Thạch Hãn. Những dấu tích vẫn còn lưu mãi về một thời hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong kế hoạch tổ chức Lễ hội hòa bình lần thứ nhất tại Quảng Trị, di tích Thành cổ Quảng Trị là một địa điểm chính tổ chức các lễ hội gắn với kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm 2022.