Chiêu lừa đảo mới qua mạng xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo… nhiều người nhận được những tin nhắn có nội dung “trúng giải thưởng đặc biệt”, thế nhưng sau khi hoàn tất các thủ tục nhận giải mới biết mình đã bị lừa đảo bởi đây là “giải thưởng ma”.

Chiêu lừa trúng thưởng

Chị Nguyễn Thị Thu Hương -giáo viên Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hà Nội) phản ánh: Tài khoản mạng xã hội Facebook của chị nhận được thông báo của Công ty CP Kỹ thuật số tương tác và truyền thông (Inter Media), tại 66 Võ Văn Tần, phường Chính Gián, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) có nội dung: Chị là người may mắn trúng giải nhất chương trình “ Tuần lộc vàng quý I năm 2015”. Theo đó chị trúng thưởng 1 xe máy Piaggio Liberty 125 IES trị giá 70  triệu đồng,  một phiếu quà tặng của FPT trị giá 70  triệu đồng.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau khi truy cập vào website www.dangkyhoso.com.vn, chị được hướng dẫn cách hoàn tất thủ tục nhận giải mới biết, ngoài việc ghi rõ, tên, địa chỉ, số chứng minh thư…, người trúng thưởng còn phải nộp cho Inter Media 1,25 triệu đồng chi phí thanh toán hồ sơ gốc. Để thanh toán chi phí này, khách hàng gửi tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thẻ cào điện thoại. website này cũng nêu rõ sau khi hoàn tất hồ sơ, tiền lệ phí, Inter Media Inter Media sẽ chuyển phiếu quà tặng của FPT vào tài khoản và xe trúng thưởng tới tay người đoạt giải.

Nhằm tạo lòng tin trên website này còn ghi rõ tên và số điện thoại 2 người đã may mắn trúng giải trước đó là Trần Văn Tài (Tam Kỳ - Quãng Ngãi) và Trần Huỳnh Chí (quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh). Để xác minh thông tin, chị Hương đã gọi cho người đoạt giải thì cả 2 người này đều xác nhận họ đã nhận giải. Quá tin tưởng, chị Hương quyết định chuyển tiền lệ phí thông qua tài khoản Ngân hàng Viettinbank, nhưng trong khi tiến hành giao dịch chị nhận được yêu cầu phải khai báo số dư tài khoản. Trong khi theo quy định thì số dư tài khoản chỉ ngân hàng và chủ tài khoản biết mà không thông báo cho người ngoài. Trước yêu cầu vô lý này, chị Hương đã nhờ người thân trong Đà Nẵng xác minh biết đây địa chỉ 66 Võ Văn Tần là nhà riêng, không có Inter Media nào đặt trụ sở tại đây.

Không chỉ có chị Hương gặp tình trạng này mà nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook cũng gặp tình huống tương tự. Anh Đặng Nguyên Bình (31 tổ 26 phường Trung Thành, TP Thái Nguyên) vì quá tin tưởng vào lời “quảng cáo” đã chuyển tiền lệ phí nhận thưởng cho ban quản trị trang web: diendanmxhtwoo.com nhưng sau khi chuyển tiền thì không thể liên lạc được với ban quản trị nữa, khi đó mới biết mình đã bị lừa đảo. Thực tế cho thấy, một số website có nội dung lừa đảo với tên miền “.vn”, chẳng hạn: nhanthuong.com.vn; khuyenmaizalo24h.com… Mặc dù báo chí đã nhiều lần phản ánh tới cơ quan chức năng nhưng đến nay, những trang này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vẫn lúng túng trong việc xử lý

Trước thông tin của bạn đọc, phóng viên báo  Kinh tế & Đô thị đã truy cập website mới thấy để tạo lòng tin tới người tiêu dùng tại website www.dangkyhoso.com.vn, Inter Media còn đăng cả giấy chứng nhận đăng mẫu dấu của Công an TP Hà Nội cấp cho Công ty CP đầu tư tài chính BIDV. Khi phóng viên gọi điện đến Inter Media được nhân viên Trần Văn Toàn, xác nhận chương trình này đã được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận cho FACEBOOKVIETNAM và Piaggo VIETNAM tổ chức nhằm tri ân khách hàng và quảng bá thương hiệu. Inter Media chỉ là đơn vị đứng ra tổ chức. Khi phóng viên thông báo đã hoàn tất hồ sơ nhưng không mua được thẻ cào nên muốn nộp tiền nhận giải qua ngân hàng thì được nhân viên cung cấp toàn khoản một người mang tên Trần Ngọc Hùng tại ngân hàng Sacombank để chuyển tiền. Khi phóng viên thắc mắc đây là tài khoản cá nhân thì nhân viên Trần Văn Toàn lý giải, sau khách hàng chuyển tiền thì nhân viên sẽ nộp số tiền đó vào tài khoản Công ty.

Theo đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội), đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 Hà Nội: Tội phạm công nghệ cao thời gian gần đây tăng chóng mặt. Trong năm 2014, PC 50 đã tiếp nhận hàng ngàn thông tin từ người dân phản ánh qua đường dây nóng và trực tiếp nộp đơn tố giác tội phạm, từ đó xử lý các đối tượng lừa đảo. Năm 2014,  PC 50 đã triệt phá 157 vụ tội phạm công nghệ cao với 206 đối tượng, qua đó chuyển cơ quan điều tra khởi tố 29 vụ với 56 bị can, xử lý hành chính 111 đối tượng, xử phạt 1,5 tỷ đồng. Mới đây, Phòng phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện Công ty Việt Hồng cài đặt trái phép phần mềm giám sát hơn 14.000 điện thoại, trong đó có hàng nghìn tài khoản hiện tại vẫn đang hoạt động giám sát, và đã khởi tố 7 bị can…”. Nhằm hạn chế đến mức cao nhất tình trạng người sử dụng điện thoại, intenet bị lừa đảo, thời gian tới PC 50 sẽ kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo ngành viễn thông việc nhắn tin đến tất cả thuê bao điện thoại cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng” - đại tá Lê Hồng Sơn kiến nghị.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng này của các ngành chức năng vẫn còn nhiều lúng túng. Thậm chí xử lý chưa xong chỗ này, các đối tượng đã có những chiêu thức mới để tiếp tục lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Điều này đòi hỏi bên cạnh sự nỗ lực của ngành công an, ngành TT&TT cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát website sau khi cấp giấy phép hoạt động. Ngành ngân hàng nên xác định chủ nhân số tài khoản ngân hàng đã nhận tiền của người bị hại từ đó hỗ trợ lực lượng chức năng trong quá trình xử lý hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó người dân khi bị lừa đảo nên làm đơn tố cáo đến công an địa phương để có hướng xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần