Chiều sâu tư tưởng, ý nghĩa thời đại lớn lao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đây là Di chúc của một bậc vĩ nhân. Những ý tứ Bác viết không chỉ là chiêm...

Kinhtedothi - "Đây là Di chúc của một bậc vĩ nhân. Những ý tứ Bác viết không chỉ là chiêm nghiệm về quá khứ, về những chặng đường đã qua, mà còn nói nhiều đến ước vọng tương lai. Đó còn là lời căn dặn, nhắc nhở, ủy thác cho thế hệ sau, đặt niềm tin vào sự phát triển của cách mạng, đất nước. Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ mới thấy được chiều sâu tư tưởng, được mong muốn lớn lao của Bác".

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về ý nghĩa lớn lao và giá trị thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều sâu tư tưởng, ý nghĩa thời đại lớn lao - Ảnh 1

Lấy chỉnh đốn Đảng làm căn cốt

Theo ông, nội dung quan trọng nhất trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

- Trong những lời căn dặn trong Di chúc của Bác, lời đầu tiên, Người dặn về Đảng và việc đầu tiên được Người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng. Đây là điều hệ trọng và quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đối với sự bền vững của chế độ, đồng thời đối với sinh mệnh của Đảng, nhất là khi Đảng ở vị thế cầm quyền.

Bản viết lần đầu tiên năm 1965, Người ghi: "Trước hết nói về Đảng". Tháng 5/1968, khi sửa Di chúc, Người viết rõ thêm về điều hệ trọng này. Người trù tính những việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi. Người viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân…".

 
Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1968 (ảnh tư liệu).
Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1968 (ảnh tư liệu).

Trong Di chúc, Người còn khẳng định "Đảng ta là một đảng cầm quyền" và Người dành cả một đoạn để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Toát lên trong toàn bộ nội dung bản Di chúc là lời căn dặn của Người, phải củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đảng và Chính phủ (cũng như Nhà nước nói chung) phải làm hết sức mình để phục vụ Nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân.

Đoàn kết là một tư tưởng lớn, đó là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là chính sách chính trị lớn nhất, bao trùm nhất, trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã dày công xây đắp cũng như ra sức thực hành mẫu mực nhất trong cả cuộc đời. Điều sâu xa và cảm động nhất là điều Người căn dặn: "Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Lời dặn của Người, việc trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng, vào lúc này càng trở nên cấp thiết, bức xúc và có tính thời sự biết nhường nào. Cách tốt nhất để thực hiện lời dặn hệ trọng và thiêng liêng đó của Người vào lúc này là thực hiện tốt Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời ra sức làm tốt những gì chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) của Đảng, khắc phục bằng được tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay để lấy lại niềm tin của dân với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm đã đúc rút cho Đảng ta một bài học lớn, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là bảo đảm có tính chất quyết định mọi thắng lợi, mọi thành công của cách mạng. Làm thế nào để có được giá trị và sức mạnh đó của Đảng thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên, là uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng ở trong dân và trong xã hội. Người đã từng nhấn mạnh, phải làm cho dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ.

Trong Di chúc, Bác đã tiên đoán về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Ông đánh giá thế nào đối với những lời tiên tri này?

- Ngay từ mở đầu Di chúc, Bác đã khẳng định điều đó. Và Người cho rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.

Đây không chỉ là sự tiên tri của một bậc vĩ nhân, mà còn thể hiện niềm tin sâu sắc vào chiến thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Bác đã nhìn nhận rất rõ về chủ quyền đất nước mà phải đổ biết bao xương máu mới có và cũng nhắc nhở thế hệ sau phải giữ bằng được điều thiêng liêng đó. Đến hôm nay, điều đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa lớn lao trong thực tiễn đấu tranh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước trước nhiều âm mưu đen tối của các thế lực thù địch.

Nâng niu tất thảy, chỉ quên mình

Không chỉ là tiên đoán, Bác còn dự liệu rất nhiều công việc sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Ông có thể phân tích rõ hơn về những dự liệu ấy?

- Trước khi mất mấy tháng, Bác có nói: Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau riêng và gộp tất cả những nỗi đau ấy thì thành đau khổ của tôi. Con người Bác là thế, luôn nghĩ đến đất nước, đến Nhân dân. Nên Người đã dự liệu sau khi thắng lợi, Đảng phải chỉnh đốn, phải chăm lo đến người dân thế nào, bởi "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh". Nên "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân".

Có lần, tôi trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghe ông nói một câu rất hay: Sự nghiệp của Bác bắt đầu từ con người và kết thúc cũng từ con người. Bác đã dự liệu tất cả những việc phải làm sao cho sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất, Nhân dân ai cũng được ấm no, hạnh phúc.

Đoạn cuối của Di chúc, Bác có đề cập đến "Việc riêng", nhưng đó cũng là: Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đấy chính là nhân cách lớn của bậc vĩ nhân để muôn đời sau học tập, noi theo.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt, học tập Di chúc của Bác. Theo ông, đây có phải là dịp để chúng ta "xốc lại" việc học và làm theo Bác theo hướng hiệu quả, thực chất hơn không?

- Trước đó, chúng ta cũng đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để học tập, thực hiện di nguyện của Người. Từ thực tiễn đổi mới của những năm qua, lại càng thấy ý nghĩa, giá trị to lớn mà Di chúc đem lại cho thời đại. Vì vậy, việc Ban Tuyên giáo T.Ư vừa qua tổ chức hội nghị toàn quốc là rất cần thiết, để việc triển khai được bài bản, quy mô và hiệu quả hơn. Sự gắn kết trong thực hiện theo Di chúc của Bác với Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị 03 chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực, khơi dậy thêm lòng tự hào, trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ và Nhân dân cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần