Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính biến tại Myanmar: Quốc tế gia tăng áp lực lên quân đội sau khi có thêm 2 người biểu tình thiệt mạng

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực từ cộng đồng quốc tế nhắm vào chính quyền quân sự Myanmar ngày càng tăng sau khi có thêm 2 người biểu tình thiệt mạng trong đêm 19/3.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres.
Cổng thông tin Myanmar Now hôm 20/3 cho biết, 2 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh nổ súng ở thị trấn Mogok. Tính từ ngày 1/2 đến nay, số người thiệt mạng khi tham gia biểu tình tại Myanmar đã lên tới 237 người, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP).
Việc chính quyền quân đội trấn áp bạo lực không dập tắt được sự phản đối về cuộc chính biến và việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, một số người tổ chức biểu tình nói rằng họ đã điều chỉnh chiến thuật.
"Chúng tôi biểu tình ở nơi không có cảnh sát hay quân đội. Và khi chúng tôi nghe tin họ đang đến, chúng tôi nhanh chóng giải tán” - nhà vận động Kyaw Min Htike nói với hãng tin Reuters trước khi ông và những người khác tổ chức 1 cuộc biểu tình bên ngoài trung tâm thị trấn Dawei.
Trong ngày thứ Bảy, hàng chục người biểu tình đã tập trung ở Mandalay - thành phố lớn thứ 2 của Myanmar và thị trấn Kyaukme kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài để chấm dứt bạo lực.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 19/3 đã lên án việc trấn áp bạo lực kéo dài của quân đội Myanmar đối với những người biểu tình ôn hòa.
Theo người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Guterres kêu gọi “cộng đồng quốc tế cần có phản ứng một cách thống nhất và kiên quyết".
Trong khi đó, báo cáo viên của LHQ Tom Andrews đề nghị sử dụng các biện pháp trừng phạt để đáp lại những gì ông gọi là các cuộc tấn công tàn nhẫn của quân đội nhắm vào người dân.
Cũng trong ngày 19/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật lên án cuộc đảo chính. Các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích các biện pháp ngày càng khắc nghiệt chống lại người biểu tình Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar đã siết chặt dịch vụ internet và hạn chế hoạt động của hãng truyền thông tư nhân.
Các nước phương Tây đã nhiều lần lên án cuộc chính biến của quân đội Myanmar hôm 1/2 và việc trấn áp bạo lực đối với người biểu tình tại nước này.
Các nước láng giềng châu Á cũng lên tiếng phản đối cuộc chính biến tại Myanmar.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, ông sẽ yêu cầu Brunei - nước đang giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về bất ổn chính trị tại Myanmar. “Indonesia kêu gọi chính quyền Myanmar ngay lập tức ngừng các hành động bạo lực tại nước này” - Tổng thống Widodo cho hay.
Ủng hộ lời kêu gọi tổ chức họp khẩn của Indonesia, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói rằng ông hết sức lo ngại về việc trấn áp bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa tại Myanmar.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói rằng ASEAN cần phải hành động. Singapore cũng đã lên tiếng phản đối cuộc chính biến và tình trạng bạo lực tại Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.
Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 1/2.