Chỉnh lại thước ngắm về trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trách nhiệm xã hội của báo chí – câu chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ lại bức thiết như lúc này.

Chẳng thế mà đúng dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015), hàng loạt cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức xung quanh chủ đề này, với mục tiêu duy nhất là chỉnh lại thước ngắm về trách nhiệm và đạo đức nghề báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân. (Ảnh tư liệu)
Một “cơ ngơi” đồ sộ

90 năm trước, ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của đồng bào, đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 90 năm xây dựng và trưởng thành, mới thấy “cơ ngơi” của báo chí Việt Nam chưa bao giờ lại hùng hậu, phát triển mạnh mẽ đến thế. Hiện nay, cả nước có 849 cơ quan báo chí, hơn 1.100 ấn phẩm gồm báo, tạp chí của T.Ư và địa phương, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, TP; 98 cơ quan báo chí điện tử. Khoảng 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ, trình độ đại học khoảng 91%, trên đại học là 4,9%.

Tại hội thảo quốc gia 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm vừa được tổ chức, nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nêu rõ: Với sự phát triển lớn mạnh của 4 loại hình, báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới; tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, là diễn đàn thực sự tin cậy của Nhân dân. Trong hoạt động của mình, trong bối cảnh phức tạp của thời kỳ đầu áp dụng kinh tế thị trường, đất nước hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, báo chí của chúng ta cũng mắc những sai phạm, khuyết điểm không đáng có. Trách nhiệm của đội ngũ báo chí là phải sớm khắc phục các yếu kém, khuyết điểm ấy.

Có thể tự hào khẳng định rằng, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là dòng chảy chủ đạo.Tuy nhiên, cùng với sự canh tranh gay gắt của thông tin, thị trường, gần đây, báo chí cũng mang không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật. Thách thức này càng lớn hơn trong thời đại công nghệ thông tin, đòi hỏi mỗi người làm báo phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn với nghề, với xã hội.

Trách nhiệm từ hai phía

Tại những cuộc hội thảo xung quanh vấn đề về trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: Bên cạnh những nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của nhà báo như trịch thượng, ngạo mạn, cố chấp, không chịu nhận sai... Đó là hai căn bệnh "lệch thị" - chỉ nhìn một phía, và "nghẽn tai" - chỉ nghe một chiều. Hai bệnh đó không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, rất nguy hiểm.

Đứng trên góc độ nhà quản lý, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng cho rằng: Đối với nhà báo, sáng tạo ra tác phẩm là trách nhiệm xã hội, giúp xã hội phát triển, những thuần phong mỹ tục cần bảo vệ, những vi phạm đạo đức cần phê phán. Muốn làm như thế, thông tin phải chính xác, trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước. Chúng ta đừng lấy cái cá biệt biến thành cái phổ biến.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Hằng (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) và PGS.TS Vũ Duy Thông (nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư): Nếu tuyên truyền một chiều thì dân nghe đấy, cán bộ nghe đấy nhưng lòng không nghe. Vì vậy, ngay lúc này, trách nhiệm của báo chí là không chỉ thông tin mà còn định hướng thông tin. Điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng để nhà báo hoàn thành bổn phận của mình. Để khắc phục những hạn chế này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, hơn ai hết, những người làm báo, bên cạnh việc trau dồi chính trị, văn hóa, chuyên môn vững vàng, mỗi nhà báo cần chú ý đến đạo đức nghề nghiệp: “Nếu nhà báo không trau dồi đạo đức nghề nghiệp, văn hóa nghề nghiệp của mình dễ bị sa vào những cạm bẫy. Điều này đã từng xảy ra và tôi nghĩ vẫn tiếp tục xảy ra. Có điều, các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí tăng cường quản lý, giáo dục, động viên phóng viên. Bên cạnh đó, cũng tạo cơ chế cho anh em trong đời sống tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần