Chính phủ đã có báo cáo số 303/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo Chính phủ, việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần tập trung vào các vấn đề lớn. Đó là những vấn đề đã được tổng kết thực tiễn, có cơ sở đề xuất rõ ràng, đánh giá tác động đầy đủ, đảm bảo tính khả thi về nguồn lực, bao gồm quỹ BHXH, ngân sách nhà nước; thuận lợi trong hướng dẫn và triển khai thực hiện thì mới đề xuất quy định trong dự thảo Luật.
Chính phủ thống nhất về nguyên tắc với việc điều chỉnh lương hưu; mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần; điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, thực hiện BHXH khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được chỉnh lý quy định, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
- Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định trên tổng thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.