Chính phủ đề xuất quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Kinhtedothi- Sáng 17/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Các ý kiến nhận định, đây không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.
Tăng hỗ trợ trẻ và ưu đãi giáo viên mầm non
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết có bố cục gồm 06 điều, quy định về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách, cụ thể: (1) Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; (2) Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; (3) đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc ban hành Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15. Các chính sách đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các Luật hiện hành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết không làm phát sinh thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; không có quy định ảnh hưởng đến việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Các nội dung được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đều phù hợp, không trái, mà có tác dụng tích cực vượt trội so với các yêu cầu tại Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia (Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966, Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, Công ước về Quyền Trẻ em 1989, Mục tiêu thiên niên kỉ…).
Việc xây dựng Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp 1, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó có có chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khi đến trường.
Đối tượng hỗ trợ chi phí học tập, ngoài đối tượng theo quy định hiện hành, bổ sung đối tượng hỗ trợ chi phí học tập bao gồm cả trẻ mẫu giáo đang học tại các trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quy định nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị quy định chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút, ưu đãi với giáo viên mầm non; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non để thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Chính phủ dự kiến tổng dự toán kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2026-2030 là 116.314 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa) là 1.062 tỷ đồng/năm. Kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo là 2.827,6 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện phổ cập là 3.296,8 tỷ đồng/năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ đối tượng áp dụng là “tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp” và chính sách liên quan, bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp các tổ chức này trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, các chính sách của Nghị quyết cần tập trung hướng tới mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn: Bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn trên và quy định trong nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như: xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hằng năm... Về đội ngũ giáo viên mầm non, theo đánh giá tác động dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là 26.522 biên chế/65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu.
Cơ quan thẩm tra cho rằng cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp. Số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 và đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc quy định chính sách chung cho đối tượng trẻ em 3 đến 5 tuổi, không phải đề xuất chính sách riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể.
Cần nêu rõ chỉ tiêu, lộ trình, phân kỳ cụ thể khi thực hiện
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; cho rằng việc ban hành Nghị quyết sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Một số ý kiến cho rằng, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ tính khả thi của mục tiêu "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030"; các chính sách cửa dự thảo Nghị quyết cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra và tương ứng với một Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng cần nêu rõ chỉ tiêu, lộ trình, phân kỳ cụ thể khi thực hiện; rà soát lại các nội dung, kỹ thuật văn bản để các quy định đảm bảo nhất quán, dễ hiểu, thể hiện các chính sách theo hướng tổng thể hơn.
Phát biểu kết thúc nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất quan tâm đến việc thể chế hóa các chủ trương về giáo dục, đặc biệt liên quan đến đối tượng trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ: Đến năm 2030 có đạt được mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi hay không; tính vượt trội của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết khi đặt trong tổng thể các chính sách chung về giáo dục hiện có; tính khả thi về nguồn lực con người và kinh phí, lộ trình thực hiện dự thảo Nghị quyết trong bối cảnh thực hiện các chủ trương, chính sách chung về giáo dục trong thời gian tới.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tính toán, rà soát kỹ lưỡng các chính sách của dự thảo Nghị quyết để tránh chồng lấn với các chính sách về giáo dục hiện hành; trên cơ sở các góp ý sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025
Kinhtedothi- Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Báo Kinh tế & Đô thị giới thiệu nội dung của Nghị quyết.

Có hay không “lỗ hổng”, “khoảng trống” pháp lý trong quản lý quảng cáo sữa?
Kinhtedothi- Chiều 16/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.

Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng
Kinhtedothi- Sáng 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.