Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp nói trên vào sáng 9/2.
Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng là các Nghị quyết quan trọng trong phát triển doanh nghiệp (DN) và kinh tế nói chung. Các nghị quyết này, đặc biệt là Nghị quyết số 35 là kết tinh quyết tâm, các cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN.
Theo đánh giá của VCCI, 75% số DN được hỏi đánh giá nhóm giải pháp bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng và tạo thuận lợi thương mại là tích cực. Tỉ lệ đánh giá tích cực và thấy rằng có thay đổi đối với tinh thần phục vụ DN của chính quyền địa phương là 60%. Trước đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết nhiều cán bộ cấp cơ sở vẫn còn “lạnh nhạt” với DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. |
Nhận diện bức tranh DN sau Nghị quyết số 35
Nhìn nhận lại hơn 9 tháng thực hiện Nghị quyết số 35 và cũng để hướng tới Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng với cộng đồng DN, hầu hết các ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này của Chính phủ, chưa cần phải bổ sung, sửa đổi nội dung Nghị quyết.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư Phạm Viết Thanh cho rằng VCCI và Bộ KH&ĐT đã thống kê rõ những nhiệm vụ của Nghị quyết 35 đã làm được và chưa làm được. Nhưng thực tế có nhiệm vụ không thể làm ngay nên Chính phủ cần thông báo rõ cho cộng đồng DN biết là đang tiến hành để họ yên tâm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn mong muốn từng năm một, Chính phủ lựa chọn các giải pháp ưu tiên, có tính lan tỏa để thực hiện triệt để, đồng thời đề nghị cần đánh giá nhanh chính sách tín dụng về đất đai trong nông nghiệp; sớm sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai sản xuất, nhất là quyền sử dụng đất là những vướng mắc cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng chung đánh giá về việc chính quyền chưa giảm được số lượng các lần thanh, kiểm tra DN trong 1 năm. “Giảm sự nhũng nhiễu DN, giảm sự kiểm tra của DN trong 1 năm sẽ tạo sự khác biệt lớn. Nếu không thì vẫn còn gay go”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó Vụ trưởng-Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DN Bộ Công Thương Phan Đăng Tuất đề nghị áp dụng chính sách tự nguyện, tự động đóng thuế đối với DN hoạt động tới khi nào có lãi trong lĩnh vực sản xuất và DN trong khu vực nông nghiệp. “Nếu mạnh dạn áp dụng chính sách này sẽ tạo sự bùng nổ khởi nghiệp ở khu vực nông thôn. Khi DN làm ăn có lời, vững vàng thì DN sẽ đóng thuế đều đặn, đầy đủ”, ông Tuất nói.
Giải đáp câu hỏi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình trạng các loại hình DN ở Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư Phạm Viết Thanh cho biết DN Nhà nước nào tái cơ cấu thực chất thì sau 2 năm có kết quả ngay, còn làm đối phó thì kể cả khi chuyển sang cổ phần rồi vẫn hoạt động èo uột. DN có vốn Nhà nước chi phối thì không vấn đề gì, còn nếu không có vốn Nhà nước chi phối và có sự tham gia của nước ngoài thì phát sinh vấn đề. Đôi lúc DN lợi dụng nhiệm vụ chính trị nên báo lỗ, doanh thu, lợi nhuận kém... Do đó phải tách bạch rõ ràng, không thể vin vào cớ này để giải thích chuyện DN làm ăn kém.
Nhìn về phía chính quyền, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng các bộ, ngành và địa phương ban hành, quản lý các thủ tục hành chính là phải theo hướng cung cấp dịch vụ công chứ không phải cắt giảm thủ tục hành chính thì gọi là hỗ trợ DN. Còn lẫn lộn thì DN còn bị phiền hà. Xu hướng bây giờ là giảm hỗ trợ để tạo sự bình đẳng, càng hỗ trợ càng mất bình đẳng.
Bên cạnh các nhận định về tình hình phát triển DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Bộ này đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, góp phần làm chuyển động thị trường vốn trong năm 2016. Theo đó, năm 2016 tổng thu nội địa tăng so với 2015, nợ đọng thuế của DN thấp hơn năm trước. Bộ Tài chính cũng tập trung tái cấu trúc thị trường chứng khoán và phát triển định chế cho thị trường này, cụ thể giảm số lượng công ty chứng khoán, công ty quỹ nhưng nâng cao chất lượng các công ty này; phát triển thị trường trái phiếu để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Tổng huy động vốn qua thị trường chứng khoán hơn 360.000 tỷ đồng, trong đó riêng trái phiếu Chính phủ là 282.000 tỷ đồng.
Liên quan tới tinh thần “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, qua thực tiễn theo dõi, ông Trần Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ 1 Văn phòng Chính phủ cho rằng Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao nên xây dựng thông tư liên lịch quy định các hành vi vi phạm để không xảy ra các trường hợp hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc này vừa để DN không vi phạm và cũng giám sát được các cơ quan thực thi pháp luật.
Không dồn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần thực hiện phát triển DN không phải là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN.
Thống nhất với các ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương, VCCI xây dựng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 35. Từ nay tới khi tổ chức hội nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, xử lý các kiến nghị của DN ở từng cấp, tránh để dồn tất cả các kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, kết quả tạo thuận lợi thương mại và thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, việc đơn giản hóa 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan nhiều tới các ngành sản xuất; có giải pháp phát triển thị trường vốn chứng khoán, hỗ trợ cho khối ngân hàng.
Bộ KH&ĐT báo cáo về chỉ số phát triển DN và công bố công khai bộ chỉ số này cho năm 2017, động viên khen thưởng các đơn vị phát triển DN tốt. NHNN đánh giá rõ hơn công cụ chính sách tín dụng (trong nguồn vốn huy động của ngân hàng thương mại) để hỗ trợ các lĩnh vực, địa bàn trọng tâm; nâng cao tỉ trọng doanh thu các dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng.
Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp tốt hơn để DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kiến nghị cụ thể về thị trường quyền sử dụng đất và vấn đề tích tụ ruộng đất. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu việc giảm phí BOT. Bộ Xây dựng chủ trì đánh giá việc tháo gỡ khó khăn trong thị trường nhà đất, bất động sản. Bộ Công Thương nêu rõ giải pháp phát triển thị trường biên mậu, xuất khẩu và đặc biệt là phòng vệ thương mại chính đáng để bảo vệ DN trong nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH đề xuất giải pháp khơi thông thị trường lao động. Bộ KH&CN tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo quy định của Thủ tướng và khơi thông thị trường KHCN.