Kinhtedothi - Sáng 22/4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến tại TP.HCM. Các đầu cầu 63 tỉnh thành đều trực tiếp, mang ý nghĩa như hội nghị Diên hồng về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp (DN).
Sẽ có thêm Nghị quyết 19+ Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 29/4/2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2014 tại cuộc gặp gỡ Chính phủ với DN, điều ấn tượng nhất là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe Hiệp Hội thuế nói về gian nan vất vả của DN ở lĩnh vực thuế đã tiến hành một cuộc cải cách thuế mang dấu ấn đột phá. Mục tiêu Chính phủ đưa ra Việt Nam phải là 1 trong 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất và Nghị quyết số 19 đầu tiên được Chính phủ ban hành ngày 18/3/2014, thì Nghị quyết số 19 thứ hai cũng được ký ban hành ngày 12/3/2015.
Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016. |
DN ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết. Khoảng cách trên hầu hết các trụ cột (chỉ số) về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu vẫn còn khá xa… “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện kỷ luật thực thi nhưng ở cấp độ bộ ngành, địa phương, việc triển khai chưa thật sự đồng đều. Nghị quyết 19 là chương trình hành động lớn nhưng chưa được các bộ ngành, địa phương hưởng ứng nhiều, đến nay có 50 địa phương, 18 bộ ngành chưa báo cáo đánh giá kết quả thực hiện”, Chủ tịch VCCI nhận xét. Mục tiêu của hội nghị nhằm đưa ra thông điệp của Thủ tướng: "Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng". Theo ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dự kiến, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một Nghị quyết 19 mới với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, tiếp theo hai Nghị quyết số 19 năm 2014 và 2015. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Ký cam kết tạo môi trường tốt nhất cho DN Ông Lê Mạnh Hà cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách, trên địa bàn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 20/4, để tổng hợp, đồng gửi Văn phòng Chính phủ. VCCI được giao chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và của VCCI gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước để tổng hợp. VCCI còn được giao phối hợp với UBND TP Hà Nội, TP.HCM soạn thảo cam kết về tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn. “Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch hai thành phố ký cam kết với VCCI, về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, cam kết này sẽ mang tính định lượng, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, chứ không nói chung chung”, ông Hà thông tin. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng: "Cuộc đối thoại như một hội nghị Diên Hồng tìm biện pháp phát triển DN, cả nước, cộng đồng DN cần tham gia hiến kế cho Chính phủ phát triển DN, giải pháp phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đây là sự kiện toàn dân, mong Thủ tướng cho phép VCCI kêu gọi ý kiến DN để tập hợp về, cả động đồng DN hiến kế". Hiện VCCI đang nhận nhiều ý kiến kiến nghị của DN nhưng vẫn còn nhiều DN chưa có đủ thời gian hiến kế. Do đó, việc phát động phong trào hiến kế trong toàn tháng 5 để phát triển DN và cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa rất lớn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay có 7.000 giấy phép con, trong số đó có hơn một nửa không tồn tại, bởi từ 1/7/2015 Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, các quy định, thông tư không còn phù hợp theo Luật sẽ không còn hợp lý, với DN được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do đó, phải rà soát thường xuyên trong thời gian tới. Tôi nghĩ trọng tâm của Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật DN và Luật đầu tư. Sẽ điều chỉnh các Thông tư khác cho phù hợp với 2 luật này”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định. “Như trong vụ Quán Phở Xin chào, Thủ tướng chỉ đạo ngừng hình sự hoá. Sự việc tưởng nhỏ nhưng thông điệp phát đi sự an toàn của môi trường kinh doanh, DN và người dân sẽ được bảo vệ, Nhà nước, Chính phủ sẽ bảo đảm cho DN kinh doanh”, ông Lộc nói thêm.
Sẽ có khoảng hơn 300 DN tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Doanh nghiệp vào ngày 29/4 tới và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo gửi giấy mời thân thiện và trang trọng tới doanh nghiệp. Hình thức tổ chức sẽ trực tiếp tại TP.HCM có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo của tất cả các bộ ngành cùng lãnh đạo của ba thành phố lớn là Hà Nôi, TP.HCM và Đà Nẵng; chính quyền địa phương liên quan... được đề nghị bố trí thời gian tham dự hội nghị quan trọng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với VCCI chuẩn bị danh sách 50 đại biểu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). VCCI được giao chuẩn bị danh sách 20 hiệp hội và 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, thành phần HTX có khoảng 10 đơn vị. Ngay sau Hội nghị Thủ tướng sẽ họp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề DN kiến nghị. |