Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Tây Ban Nha có nguy có đổ vỡ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha vào cuối tháng 12/2011, ông Mariano Rajoy đã phải trải qua không ít sóng gió với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quy mô lớn do chính sách thắt lưng buộc bụng, thất nghiệp tăng cao…

  Việc điều hành đất nước thoát khỏi tình trạng nợ công, thắt chặt chi tiêu để được các chủ nợ giải ngân các khoản cứu trợ của ông Rajoy tuy vấp phải không ít chỉ trích từ người dân, lực lượng đối lập nhưng cơ bản đã giúp Tây Ban Nha thoát khỏi tâm bão suy thoái. Tuy nhiên, số phận chính trị của ông Rajoy đã bị đe dọa nghiêm trọng khi tờ El Pais hôm 1/2/2013 đã công bố tài liệu cho thấy Đảng Nhân dân (PPP) của ông đã bí mật nhận số tiền hối lộ cực lớn.

Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha vẫn trụ vững sau vụ bê bối trên, nhưng hôm 14/7, việc tờ El Mundo tiết lộ thông tin cho biết ông Rajoy từng nhận những khoản tiền lên tới 54.000 USD từ các quỹ đen khi còn phục vụ trong chính phủ tiền nhiệm. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2013, ông Rajoy đã liên tục gửi tin nhắn điện thoại với cựu thủ quỹ của PPP - ông Luis Barcenas, nhân vật đang bị giam giữ do những cáo buộc liên quan đến hoạt động tài chính phi pháp của đảng. Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, lãnh đạo Đảng Xã hội đối lập Alfredo Perez Rubalcaba đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Rajoy từ chức ngay lập tức vì gây ra "tình hình chính trị bất ổn ở Tây Ban Nha".

Những tình tiết mới nhất của vụ tai tiếng tham nhũng gây chấn động Tây Ban Nha này đã làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ông Rajoy. Sự “quay lưng” của các cử tri cũng như các chính trị gia khiến nhiều chuyên gia nhận định chính phủ đương nhiệm Tây Ban Nha sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu kịch bản này xảy ra, khủng hoảng chính trị và việc hình thành chính phủ mới sẽ tạo ra độ trễ nhất định trong việc thực thi các chính sách cải cách kinh tế. Và hậu quả tất yếu là xứ sở bò tót sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài.