Chính phủ yêu cầu 5 thành phố lớn kiểm soát phương tiện cá nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu 5 thành phố lớn kiểm soát phương tiện cá nhân và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố...

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các thành phố lớn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) trong giai đoạn 2013-2015, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng khối lớn theo đúng quy hoạch được duyệt, các bộ, ngành và UBND các thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương. Khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng; tổ chức giao thông hợp lý theo hướng khai thác tối đa năng lực sẵn có của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Cảnh thường thấy trên một số tuyến đường Hà Nội vào các giờ cao điểm.
Cảnh thường thấy trên một số tuyến đường Hà Nội vào các giờ cao điểm.
Để làm tốt các giải pháp trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 1/3/2013, trong quý III năm 2014, tập trung xác định các chỉ tiêu, mục tiêu định hướng cho việc giảm phương tiện cá nhân trên địa bàn; nghiên cứu áp dụng các phương thức, mô hình phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa như xe buýt, camera giao thông,…

UBND các thành phố phải chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. 

Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố; báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua để làm cơ sở thực hiện; Quy hoạch và xây dựng mạng lưới các cơ sở hậu cần phục vụ vận tải hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hàng hóa trong đô thị; xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố. 

Đồng thời, các thành phố phải triển khai Đề án hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý vận tải công cộng của địa phương để thống nhất điều tiết giữa các phương thức vận tải; đồng thời với việc đẩy nhanh xây dựng các Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng lập kế hoạch cụ thể và các giải pháp đồng bộ nhằm di dời một số cơ sở sản xuất, trường học, cơ sở y tế ra khu vực ngoại thành; dành quỹ đất và ban hành chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích triển khai đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch.

Giá dịch vụ trông xe giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn các thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải; đề xuất cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát việc hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển vận tải hành khách công cộng của các địa phương; sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thu và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ, phí trông giữ xe; đồng thời, ban hành hướng dẫn về giá dịch vụ trông giữ xe tại các thành phố lớn theo hướng giá dịch vụ giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành.

Cùng với đó, Bộ Công an phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, UBND các thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải; tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giao thông.

Hiện nay, ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là một trong những vấn đề lớn đang được các cơ quan chức năng tìm mọi cách khắc phục. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương đã nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ùn tắc giao thông, song chưa có hiệu quả đáng kể. 

Theo đánh giá, việc phát triển xe đạp công cộng được coi là một trong những giải pháp xanh cho đô thị hiện đại. Dự án xe đạp công cộng đang được triển khai tại nhiều thành phố lớn trên thế giới có thể trở thành một giải pháp khả thi với các thành phố lớn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.