Văn phòng Chính phủ vừa gửi đi công văn về việc nghiên cứu, đánh giá hiện tượng rung động ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra để có đánh giá cụ thể nguyên nhân, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12 và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, cuối năm 2010 kể từ khi công trình thủy điện sông Tranh 2 ngăn đập, chặn dòng tích nước đến nay, chính quyền địa phương cùng người dân đã ghi nhận khoảng 200 vụ dư chấn, lòng đất phát nổ, gây rung lắc mặt đất. Riêng tháng 11đã có 4 lần lòng đất phát nổ, lần mới đây nhất là 21h23' đêm 27/11 tiếng nổ như bom lan rộng trong vòng bán kính 30 km. Lòng đất phát nổ gây rung động mặt đất làm nứt nẻ tường, nền nhà của nhiều hộ dân và gây ra hiện tượng trượt lở núi, sụt lún bất thường trên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My. Có nơi sụt lún tạo rãnh sâu hơn 2 mét kéo dài hàng chục mét. Huyện Bắc Trà My đang lo lắng nếu động đất kéo dài thì đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây bỏ nhà vào rừng sâu sinh sống, gây ra tình trạng phá rừng đầu nguồn. Nếu động đất cường độ tăng dần lên đến 5 độ richter thì hàng loạt nhà xây cấp 4 sẽ bị sụp đổ. Trong hai ngày 30/11 và 1/12, đoàn công tác các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát thực địa 24 xã, thị trấn thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My nhằm xác định vùng tâm chấn của các vụ động đất vừa qua. Theo kết luận ban đầu Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những dư chấn thời gian qua xảy ra tại huyện Bắc Trà My gây ra tiếng nổ là do động đất kích thích với khoảng 3 đến 4 độ richter. Nguyên nhân là hoạt động đứt gãy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ở bờ trái của sông Tranh có trước khi xây thủy điện. Mạch nước ở hồ chứa thủy điện sông Tranh 2 đã thẩm thấu làm giảm kết cấu đất đá, giải phóng năng lượng nhanh, kích hoạt vào đới đứt gãy tạo ra động đất kích thích.
Mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra kết luận ban đầu lòng đất phát nổ gây rung chuyển mặt đất là do động đất kích kích, nhưng chính quyền địa phương cùng hàng chục nghìn người dân nơi đây vẫn lo lắng động đất và mức an toàn hồ chứa thủy điện sông Tranh 2. Bởi lẽ khi tâm chấn động đất rơi vào vị trí thân đập hoặc vai đập (gia cố bờ hồ chứa nước bằng đất) thì dễ gây ra thảm họa cho vùng hạ lưu. Tỉnh Quảng Nam đã đề xuất các cơ quan chuyên môn trung ương cần sớm lắp đặt Trạm quan trắc động đất tại huyện Bắc Trà My; tiếp tục nghiên cứu sâu hiện tượng động đất kèm theo trượt lở đất, sụt lún đất bất thường, đánh giá dư chấn động đất gắn với độ an toàn của hồ, đập thủy điện sông Tranh 2.