Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ Doanh nghiệp thực thi EVFTA

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị "Hỗ trợ Doanh nghiệp tận dụng cơ hội EVFTA", Sở Công Thương Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) khi EVFTA có hiệu lực.

Định hướng khai thác "chiều sâu" các thị trường EU
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú nêu rõ: Với tinh thần đón chờ EVFTA sớm có hiệu lực, TP Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để xây dựng các hoạt động xuất khẩu theo hướng khai thác về "chiều sâu" đối với các thị trường EU.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú

Chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (TP sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam), và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao như: Phần mềm, sản phẩm nội dung số; nông sản được canh tác - tinh chế bằng công nghệ cao... Đó là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác về “chiều sâu” đối với các thị trường “khó tính” như EU.
Trong lĩnh vực sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, TP Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm giao dịch, trung chuyển hàng hóa quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện TP đang xây dựng Đề án phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN nhỏ và vừa trên địa bàn.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất và kiến nghị với Bộ Công thương 3 giải pháp cần được thực thi trong thời gian tới:
Thứ nhất, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi Hiệp định có hiệu lực để giúp các DN nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA, giúp các DN vừa và nhỏ nắm bắt thông tin và tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường liên minh EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.
Xác định doanh nghiệp là động lực phát triển
Tham luận tại hội nghị với chủ đề “Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các DN SMEs tận dụng cơ hội từ EVFTA mang lại”, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định: Với EVFTA, các DN nhỏ và vừa là những đối tượng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp để có thể tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức mà những Hiệp định này mang lại.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi EVFTA, TP Hà Nội đã khẩn trương xây dựng “Kế hoạch Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Kế hoạch bao gồm 4 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn. Với nhóm giải pháp này, ngay từ năm 2019, TP đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình tập huấn, phổ biến những nội dung về Hiệp định EVFTA đến cộng đồng DN.
Ngoài những hình thức cung cấp thông tin truyền thống, TP cũng đã xuất bản sách, cẩm nang về các FTA và thị trường các nước thành viên để phổ biến đến các DN, tổ chức, cá nhân liên quan.
Thứ hai, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Trong nhiệm vụ này, TP đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN, chú trọng đến DN nhỏ và vừa.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo cho các DN nhỏ và vừa.
Thứ ba, tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong quá trình thực thi Hiệp định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với các cam kết trong EVFTA tạo môi trường pháp lý minh bạch cho DN.
Thứ tư, về chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN.
Với nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, EVFTA là một Hiệp định mới hoàn toàn, do vậy, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người làm công tác nhân sự tại DN; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN; Hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tại DN, các thiết chế hòa giải, trọng tài lao động.