70 năm giải phóng Thủ đô

Chính quyền địa phương thừa nhận thiếu sót

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 6/12, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thừa nhận địa phương có thiếu sót không kiểm tra, phát hiện kịp thời tình trạng khai thác vàng trái phép trên dòng suối Vai Chồ

 
Thiếu sót vì địa bàn rộng?

Theo quan sát của phóng viên, cho đến ngày 6/12, hiện trường lòng suối Vai Chồ vẫn bị đào xới nham nhở, đất đá chất thành từng đống cao, tràn ra cả khu ruộng hai bên. Biên bản làm việc giữa Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường huyện Chương Mỹ (do ông Nguyễn Đức Trịnh, Đội phó làm đại diện) với chính quyền xã ngày 27/11 và biên bản làm việc giữa Cảnh sát Phòng PC 49 CATP (do ông Nguyễn Văn Hiển, Đội trưởng Đội 3 làm đại diện) ngày 29/11 đều khẳng định có hoạt động khai thác vàng trên dòng suối Vai Chồ, thuộc cánh đồng Vai Táo, thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến.

Sơ đồ vị trí khai thác khoáng sản trái phép cho thấy, diện tích khu suối bị khai thác trái phép là 2.280m², trong đó chiều rộng 19m, chiều dài 120m. Đất múc cao 1,5m. Biên bản cũng nêu rõ, hiện trạng lòng suối hiện tại mặt nước rộng 1m, sâu 0,2m, nước chuyển sang màu vàng đục. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến thừa nhận, địa phương có sai sót là sau một tuần xảy ra sự việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, chính quyền xã mới phát hiện được. Ông Phong nêu nguyên nhân là do địa bàn xã rộng (diện tích tự nhiên 2.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.100ha) trong khi con suối nằm ở khu vực ven biên giới giữa xã Nam Phương Tiến với xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Hơn nữa, con suối lại nằm ở vị trí sâu so với mặt đường, bị khu ruộng dưa của bà con che khuất nên rất khó phát hiện khi đứng ở trên đường nhìn xuống!

Ông Phong cũng cho biết thêm, thời điểm trước năm 1990, trên địa bàn xã Nam Phương Tiến đã có hiện tượng đào vàng thủ công bằng tay. Tuy nhiên, ngay sau đó UBND xã đã yêu cầu chấm dứt và tiến hành san lấp, hoàn nguyên diện tích bị đào xới, ổn định sản xuất từ năm 1991. Đến đầu năm 2011, UBND xã Nam Phương Tiến có chấp nhận đề xuất đào ao chứa nước cho mùa khô tại thôn Núi Bé có diện tích 20.000m² của HTX Nông nghiệp, trong đó có thuê máy xúc về đào đất sâu khoảng 10m. Một số người dân thôn Núi Bé phản ánh là có hiện tượng đào vàng trong quá trình đào ao trữ nước này. Tuy nhiên, ông Phong lại cho hay: "Có hiện tượng đào vàng như người dân nói hay không thì tôi không biết vì không kiểm tra được!".

Đã ngừng hoạt động khai thác

Cho tới thời điểm này, hoạt động khai thác vàng trên địa bàn thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến đã được chấm dứt. Các đối tượng đào vàng đã tháo dỡ và chuyển phương tiện ra khỏi nơi khai thác. Hiện trường còn lại không thấy còn máy móc, công cụ cũng như nhân công đào xới. Theo ông Phong, UBND xã đã ra chỉ thị tăng cường quản lý đất đai, nghiêm cấm tất cả hành vi khai thác vàng, khoáng sản trái phép. Xã cũng đã giao cho lực lượng công an địa phương, thanh tra xây dựng cùng với ban địa chính tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện kịp thời vi phạm xảy ra, nếu phát hiện máy móc, người khai thác khoáng sản trái phép sẽ bắt và xử lý nghiêm.

Theo phản ánh của người dân thôn Núi Bé, con suối Vai Chồ tuy nằm cách xa khu dân cư nhưng có thể ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân do nguồn nước chảy, nhất là khi có nước lũ. Về vấn đề này, ông Phong cho biết, xã đã lên phương án khắc phục hậu quả của tình trạng khai thác vàng trái phép vừa qua, xây dựng kế hoạch san lấp mặt bằng, trả lại hiện trạng cho con suối và triển khai trong thời gian tới.

Mặc dù tình trạng khai thác vàng trái phép ở Nam Phương Tiến xảy ra, gây xôn xao dư luận những ngày qua, song trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ cho biết, ông vẫn chưa nắm được tình hình và khẳng định: "Chương Mỹ làm gì có vàng mà khai thác"?