Ông có nhận xét gì về Đề án cải cách chính sách BHXH đang được trình tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 7?
- BHXH là vấn đề rất lớn. Đề án xác định đây là trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội (ASXH). Chỉ khi nào, trên thực tế xây dựng được chính sách BHXH trở thành trụ cột chính, chắc chắn việc bảo đảm ASXH cho toàn dân sẽ tốt hơn. Hiện nay, BHXH đã có nhiều đổi mới, nhưng rõ ràng so với yêu cầu vẫn có khoảng cách. Thứ nhất, độ bao phủ số người tham gia BHXH đang thấp. Nếu không mở rộng được số người tham gia BHXH thì đây sẽ là thách thức rất lớn cho sau này. Nhất là khi chúng ta đang đối diện với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh.
Yêu cầu thứ hai của Đề án là thiết kế hệ thống BHXH ba tầng, trong đó có tầng 1 của Nhà nước (hưu xã hội); tầng 2, huy động sự đóng góp của 2 bên là quan trọng nhất; tầng 3 là BHXH bổ sung theo nhu cầu của người lao động (NLĐ), DN - đây là tầng tăng thêm phúc lợi.
Tôi muốn nói thêm, trong tầng 2 BHXH bắt buộc, huy động sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động, chúng ta đã làm được nhiều việc. Nhưng việc thực hiện đang đặt ra các vấn đề như phải đối mặt với già hóa dân số. Bản thân chính sách đang quy định thực hiện dần theo nguyên tắc đóng - hưởng. Trên thực tế, quy định của chúng ta đang theo mô hình xác định mức hưởng trước và mức tối đa khá cao (75%), dẫn đến mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Cho nên, chúng ta phải có hàng loạt các giải pháp để bảo đảm cân đối Quỹ.Trong Đề án cải cách chính sách BHXH lần này có đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên có là giải pháp?- Trong Đề án lần này, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một giải pháp để cân đối Quỹ BHXH. Tất nhiên, các cơ quan quản lý còn phải tính và trả lời bài toán tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, việc làm như thế nào, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động ra sao. Không thể thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo cách hôm nay 60 tuổi về hưu nhưng ngày mai hoặc ngày kia nâng lên 62, 65 tuổi. Đây là vấn đề mà chúng ta phải chuẩn bị để ra Quốc hội bàn. Để giải được bài toán này không dễ chút nào.Về sau này, chúng ta phải tính đối tượng NLĐ nào tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình tăng, chứ không phải thực hiện với tất cả. Đối với những NLĐ trực tiếp làm việc ở nơi nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì chưa và không thể tăng tuổi nghỉ hưu.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Để tạo được lòng tin ở người tham gia, cơ quan BHXH cần phải tiếp tục đổi mới, làm sao đưa công nghệ vào quản lý Quỹ minh bạch. Cũng như, sau này người có thẻ BHXH có thể lĩnh được lương hưu ở Hà Nội hay Cà Mau. Hoặc người ta có thể lĩnh các chế độ khác ở bất cứ nơi nào. Những việc đó, BHXH đang làm nhưng vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì thế, NLĐ vẫn còn suy nghĩ không biết nộp tiền vào quỹ BHXH, mai kia có còn, được sử dụng ra sao, liệu có bị BHXH chiếm dụng...Trong Đề án cải cách chính sách BHXH lần này, chính sách đã nêu được nhiều, cần được thể chế hóa. Nhưng điều quan trọng khâu tổ chức thực hiện vẫn phải thật sự minh bạch, tạo niềm tin cho người dân.Xin cảm ơn ông!