Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách cho đồng bào miền núi cần có tầm nhìn dài hạn, khả thi

Hồ Hạ - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 23/10, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận kết quả thực hiện kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2019.

Nhiều điểm nhấn quan trọng
Về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 2016 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, tạo cơ sở cho việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch của 5 năm tiếp theo 2021 - 2026. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
 Hình ảnh tại buổi thảo luận tổ Đoàn ĐB Quốc Hội TP Hà Nội, chiều 23/10.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong 12 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao...
Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục duy trì những thành tựu kể trên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét đánh giá sâu sắc hơn về tăng trưởng GDP; lạm phát; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường...
Về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018, theo dự kiến, thu cân đối NSNN cả năm ước đạt khoảng 1.358,4 nghìn tỉ đồng, vượt 39,2 nghìn tỉ đồng (tăng 3% so với dự toán) và tăng 5,5% so với thực hiện năm 2017. Chi NSNN ước thực hiện cả năm 1.562,4 nghìn tỉ đồng, tăng 39,2 nghìn tỉ đồng (2,6%) so với dự toán. Dự kiến bội chi NSNN năm 2018 là 204 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 3,67% GDP ước thực hiện, tương ứng với tỉ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội đã quyết định 204 nghìn tỉ đồng (3,7% GDP). Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, bội chi NSNN có thể giảm nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2018 phù hợp với khả năng giải ngân đạt 88,2% dự toán (vốn ngoài nước chỉ đạt 78% dự toán).
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các ý kiến đại biểu đều nhận định, năm 2019 bối cảnh kinh tế được dự báo tích cực bên cạnh các tiềm ẩn rủi ro và thách thức: Kinh tế - xã hội sẽ chịu ảnh hưởng trước sức ép tăng giá dầu, lãi suất đồng đô la Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước...

Đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế

Một trong những vấn đề được nhiều ĐB Quốc hội quan tâm trong cuộc thảo luận ở tổ chiều 23/10 là chính sách cho đồng bào miền núi, chiến lược giảm nghèo.

 Hình ảnh tại buổi thảo luận tổ 18, chiều 23/10. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến chính sách cho đồng bào miền núi, ĐB Hiểu Duy Ngọ (Đoàn Hà Nội) cho biết: Khi nghiên cứu chính sách này, tôi thấy chính sách của chúng ta thường đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể, tình hình chính trị địa phương khi dân kêu. Còn những chính sách mang tính dài hạn, tầm nhìn, phân hóa từng vùng, từng dân tộc chưa có sự khác biệt. Thế mới có chuyện bà con đi xe đến xã lấy dầu, tiền xăng còn nhiều hơn tiền dầu. Vì thế, các chính sách cho đồng bào miền núi cần hướng tới cải cách chính sách đầu tư phát triển, chính sách dài hạn, và chính sách khả thi để thực hiện. Bởi vì, khi có chính sách nhưng không có nguồn lực để thực hiện sẽ làm cho lòng tin của bà con bị giảm sút.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi), cho rằng: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, hiện cả nước có 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên đời sống của một bộ phận người dân bà con nhiều vùng đã đạt nông thôn mới con còn khó khăn, chưa ổn định, thiếu bền vững. Hiện 16 tỉnh còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, điều này thể hiện chưa có sự liên kết 4 nhà “Nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà nông”.

Qua khảo sát thực tế, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp. Thời gian tới cần phải có biện pháp đồng bộ, tích cực hơn nữa, tập trung đầu tư nhiều hơn, bố trí ngân sách kịp thời hơn để đảm bảo những xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới thực chất và bền vững.

Liên quan đến vấn đề nhà ở, nữ ĐB Đoàn Quảng Ngãi cho rằng: Thời gian qua đã có nhiều chính sách về nhà ở, nhưng các chính sách này còn chưa thỏa đáng, chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…Hiện nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu. Do vậy, đề nghị thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, lao động nghèo ổn định cuộc sống thông qua các chính sách ưu đãi về nhà ở.

Liên quan đến vấn đề đất ở, đất sản xuất, các đại biểu cho rằng, hiện nay việc giải quyết đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số chưa có chuyển biến nhiều. Người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ rừng sản xuất của mình dẫn đến tình trạng di dân. Đại bộ phận đời sống của người dân còn khó khăn.

Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế) đặt vấn đề: Chiến lược giảm nghèo chưa rõ, tập trung đầu tư cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nhiều, nhưng chính sách đầu tư về việc làm còn hạn chế, nhiều nơi chưa có, chưa ổn định. Nếu xảy ra thiên tai, thời tiết khắc nghiệt thì tỷ lệ tái nghèo ở những khu vực này chuyển biến nhanh và cao. Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa tình hình an sinh xã hội, vùng sâu vùng xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi chỉ khi đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao thì tình hình an ninh, an toàn xã hội cũng sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, cho ý kiến vào lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Anh Trí ghi nhận nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y đức được cải thiện nhưng đại biểu vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi... đang diễn biến phức tạp chưa được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 86%, trong đó có tới hơn 60% diện được nhà nước hỗ trợ. Như vậy, bảo hiểm y tế vẫn chưa thực sự bao phủ đối với đối tượng là người lao động tự do. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, mặc dù đều đạt và vượt nhưng chưa thực sự bền vững. Riêng lĩnh vực y tế, nếu đánh giá chỉ dựa vào con số trung bình giường bệnh/nghìn dân hay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế thì chưa đủ, mà Chính phủ cần có chính sách quan tâm, đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.