Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cho giai đoạn mới: Quyết định vẫn là nội lực

Kinhtedothi - Trong lịch sử kinh tế thế giới, Việt Nam thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ sáu, lại nằm giữa vùng Đông Á mà chung quanh là các thế hệ công nghiệp hóa thứ tư, thứ năm.
Với tính thời đại và tính khu vực ấy, Việt Nam tiếp cận quá dễ dàng với các nguồn lực nước ngoài (tư bản, công nghệ, tri thức quản lý, kinh doanh). Tuy nhiên, quá trình chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường theo chính sách tiết kiệm tiền kiểu Việt Nam làm cho tư bản dân tộc chậm phát triển. Năng lực quản trị đất nước, năng lực hoạch định và thực thi chính sách cũng chậm được cải thiện. Nói chung là nội lực Việt Nam rất yếu. Đó là một trong những nhận định của GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo, tại Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra ở Hà Nội, ngày 13/12/2016. Kinh tế & Đô thị trân trọng đăng tải bài phát biểu của GS Trần Văn Thọ tại hội nghị này.
Bài 1: Công nghiệp hóa chưa tận dụng được nhiều lợi thế

Công nghiệp hóa Việt Nam từ thập niên 1990 đến nay tuy có tiến triển khi nhìn từ một số chỉ tiêu tổng hợp, nhưng không triển khai mạnh mẽ như những nước thuộc các thế hệ công nghiệp hóa đi trước mặc dù có chung hai thuận lợi là “lợi thế của nước đi sau” và “giai đoạn dân số vàng”. Nội lực yếu nhưng trong quá trình hội nhập lại phát sinh nền kinh tế hai tầng (dualism) nên không tạo được sự liên kết, một bên là khu vực DN nước ngoài (FDI) và một bên là khu vực DN trong nước.

Lựa chọn công nghiệp hóa là cần thiết

Do xu thế của kinh tế và công nghệ thế giới hiện nay, nhiều nước thu nhập trung bình kể cả trung bình thấp như Việt Nam đang trực diện với nguy cơ phải chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm (premature deindustrialization), và công nghiệp hóa ngày càng ít thu hút lao động. Với nguồn lao động lớn trong một nước mà quy mô dân số sắp đạt 100 triệu như Việt Nam, đây là một thách thức lớn. Để tránh nguy cơ này, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hóa vừa theo diện rộng vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, đồng thời cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa FDI và nuôi dưỡng tư bản dân tộc. Phải tạo điều kiện cho DN Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng. Chính sách bây giờ không phải chỉ tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của DN mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho tư bản dân tộc cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới.

Dây chuyền sản xuất xe tải, bán tải tại Công ty ISUZU Việt Nam.  Ảnh:  An Hiếu

Với phương châm đổi mới năm 1986, Việt Nam chính thức quyết định đổi sang thể chế kinh tế thị trường. Nhưng trong 5 – 6 năm đầu, kinh tế vĩ mô chưa ổn định và tình hình quốc tế chưa thuận lợi, kinh tế Việt Nam còn khó khăn. Từ năm 1993 kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng và Việt Nam lần lượt bình thường hóa quan hệ với các nước tiên tiến, từng bước tạo lập điều kiện hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phác họa phương hướng phát triển lâu dài cho giai đoạn mới. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1 năm 1994) chủ trương phải thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xem công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu trong thời gian tới.

Sau đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6 năm 1996) chủ trương nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể là đến năm 2020 ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp hiện đại (Đảng Cộng sản Việt Nam 1994, 1996).

Đó là một chủ trương đúng đắn, cả về lý luận và nhìn từ kinh nghiệm của các nước đã phát triển. Xuất phát từ một nước nông nghiệp đông dân, lao động dư thừa, con đường phát triển phải kinh qua giai đoạn công nghiệp hóa. Hơn nữa, chung quanh Việt Nam dòng thác công nghiệp đang cuồn cuộn chảy, thời cơ để Việt Nam hội nhập vào dòng thác đó là rất lớn.

Sau 20 năm công nghiệp Việt Nam đứng ở đâu?

Công nghiệp hóa Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh khu vực thế nào, và có đặc tính gì khi nhìn từ lịch sử kinh tế thế giới? Sau 20 năm có chủ trương công nghiệp hóa, thành quả của Việt Nam nên được đánh giá như thế nào? Hiện nay, Việt Nam đang đối diện với thách thức và thuận lợi nào, và cần chiến lược, chính sách nào để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, làm đầu tàu cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn mới?

Nếu chỉ kể công nghiệp hóa trong thời kỳ cận đại thì Anh quốc thuộc thế hệ thứ nhất, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18. Các nước Tây Âu và Bắc Mỹ thuộc thế hệ thứ hai. Nhật Bản thuộc thế hệ thứ ba, và các nước mà OECD (năm 1979) gọi chung là các nước công nghiệp mới (NICs) như Hàn Quốc, Đài Loan,… thuộc thế hệ thứ tư. Một số nước đi trước trong khối ASEAN (Malaysia, Thái Lan) và Trung Quốc thuộc thế hệ thứ năm. Nếu một thế hệ là 20 hoặc 25 năm thì Việt Nam thuộc cuối thế hệ thứ năm hoặc đầu thế thế thứ sáu. Thật ra nếu xét thời điểm bắt đầu cải cách, mở cửa thì Trung Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau 8 – 9 năm. Giữa thế hệ thứ tư và thứ năm trong một số mặt cũng không cách nhau xa.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố số năm (20 hoặc 25) có tính cách định lượng, xét về chất ta thấy cách phân chia như trên cũng có cơ sở. Thế hệ đi trước khác thế hệ đi sau ở năng lực xuất khẩu tư bản, công nghệ và các nguồn lực khác như tri thức kinh doanh. Ngoài ra, như trên đã nói, đến năm 1993 Việt Nam mới thật sự quá trình phát triển. Từ những nhận xét này ta có thể nói Việt Nam thuộc thế hệ thứ sáu trong lịch sử công nghiệp hóa thế giới.

(Còn nữa)

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: phát động thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bình dân học vụ số”

Vĩnh Phúc: phát động thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bình dân học vụ số”

09 May, 07:31 PM

Kinhtedothi - Chiều 9/5, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bình dân học vụ số”. Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, xã cùng các doanh nghiệp, tiểu thương, người dân trên địa bàn.

Trí tuệ nhân tạo - Động lực đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao quốc gia

Trí tuệ nhân tạo - Động lực đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao quốc gia

09 May, 04:30 PM

Kinhtedothi - Ngày 9/5, UBND thành phố tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng” tại Cung Hội nghị quốc tế Furama, với sự tham dự của gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ