Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt
Kinhtedothi - Một số chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được quy định tại Nghị định số 103/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt.
Nghị định quy định rõ chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, anh ninh nòng cốt là doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp.
Chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, anh ninh nòng cốt là doanh nghiệp
Cơ sở công nghiệp quốc phòng, anh ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng chính sách về đầu tư xây dựng; mua sắm vật tư và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm, tổ chức nghiên cứu, sản xuất theo nhiệm vụ được giao; chuẩn bị yếu tố bảo đảm về tài chính và hỗ trợ khác; thuê và chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chính sách về đầu tư xây dựng
Điều kiện áp dụng chính sách ưu tiên:
Các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Dự án đầu tư xây dựng theo yêu cầu nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được giao phù hợp với quy hoạch công nghiệp quốc phòng, quy hoạch công nghiệp an ninh, quy hoạch của địa phương, chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Dự án đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh tại địa bàn được xác định có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Nội dung ưu tiên đầu tư xây dựng:
a) Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt gồm: Công trình cấp thoát nước, giao thông nội bộ, hào và tuy-nen kỹ thuật, hệ thống quản lý, giám sát, điều hành, thông tin liên lạc, hệ thống điện, hạ tầng công nghệ, công trình đo lường - thử nghiệm, trường thử công nghệ, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; nhà trẻ, bệnh xá, nhà văn hóa, thể thao, nhà tập thể, nhà ở công vụ, cơ sở an điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, điều trị bệnh nghề nghiệp.
b) Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội kết nối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, xử lý môi trường và các công trình khác đảm bảo kết nối đồng bộ với các công trình của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
c) Mở rộng năng lực sản xuất: Đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng các công trình bảo vệ khu đất, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà xưởng, trụ sở làm việc; mua sắm, nâng cấp, sửa chữa, cải tiến máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh; trang thiết bị phục vụ đo kiểm, thử nghiệm sản phẩm quốc phòng, an ninh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh.
Chính sách ưu tiên:
- Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các dự án đầu tư xây dựng quy định ở trên.
- Được sử dụng nguồn quỹ và nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các dự án quy định tại điểm a và điểm c ở trên khi có yêu cầu cấp bách phục vụ nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh theo quy định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
- Ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp pháp từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, xây dựng các công trình bảo vệ khu đất. Được sử dụng nguồn quỹ và nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
- Được giao cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc để thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng và các nội dung triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền.
- Được ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại điểm b (bao gồm cả nội dung đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư).
Mua sắm vật tư và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm, tổ chức nghiên cứu, sản xuất theo nhiệm vụ được giao
Cơ sở công nghiệp quốc phòng, anh ninh nòng cốt là doanh nghiệp được chủ động mua sắm vật tư và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm, tổ chức nghiên cứu, sản xuất bảo đảm tiến độ, chất lượng sản phẩm theo nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và các chính sách sau:
Mua sắm vật tư phục vụ nghiên cứu, sản xuất
- Tổ chức mua sắm vật tư, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh theo quy chế mua sắm của doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch, kịp thời, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; trong đó ưu tiên sử dụng các vật tư đã có trong dự trữ và đặt hàng mua sắm các loại vật tư mà công nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất được, đáp ứng yêu cầu tính năng, kỹ thuật của sản phẩm;
- Đối với mua sắm sản phẩm mẫu, vật tư, bán thành phẩm đặc chủng phục vụ cho sản xuất quốc phòng, an ninh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp hoặc áp dụng phương thức, hình thức mua sắm theo quy định của pháp luật về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh.
Chuẩn bị các yếu tố bảo đảm cho nghiên cứu, sản xuất
- Được mua tài liệu thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ, sản phẩm mẫu để tổ chức nghiên cứu, sản xuất theo quy định của pháp luật về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Được chủ động xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, định mức kinh tế-kỹ thuật theo nhiệm vụ được giao, phù hợp với quy định của pháp luật.
Khi thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh có yêu cầu cấp bách, được chủ động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, nghiệm thu sản phẩm quốc phòng, an ninh cho đến khi nghiệm thu đạt yêu cầu về chất lượng; chủ động hoàn thiện hồ sơ pháp lý làm cơ sở thanh toán, quyết toán theo quy định;
- Được huy động và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, chế tạo hoặc thuê máy, thiết bị và trang bị công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ được giao.
Chuẩn bị yếu tố bảo đảm về tài chính và hỗ trợ khác
Cơ sở công nghiệp quốc phòng, anh ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các chính sách sau đây:
- Được tạm ứng 70% giá trị hợp đồng sản xuất quốc phòng, an ninh; trường hợp sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được tạm ứng 80% giá trị hợp đồng. Thu hồi tạm ứng thực hiện theo tiến độ hợp đồng sản xuất quốc phòng, an ninh và thu hồi hết tạm ứng khi bàn giao sản phẩm theo hợp đồng.
- Phí bảo lãnh, phí nghiệp vụ thư tín dụng và các phí khác liên quan đến thư tín dụng khi thực hiện hợp đồng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh được tính là một yếu tố chi phí tổng hợp vào giá thành sản phẩm và được hạch toán vào chi phí hợp lý, hợp lệ.
- Chi phí lãi vay tương ứng với nguồn ngân sách nhà nước chưa kịp thời đảm bảo theo tiến độ hợp đồng sản xuất quốc phòng, an ninh mà doanh nghiệp phải vay của các tổ chức tín dụng được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính vào giá thành sản phẩm. Trường hợp không tính chi phí lãi vay vào giá thành sản phẩm thì được ngân sách nhà nước cấp bù.
- Được áp dụng các chính sách như đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Thuê và chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư
Người đại diện theo pháp luật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư theo các hình thức sau: Hợp đồng lao động; Thuê khoán hoặc hợp tác tư vấn.
Người đại diện theo pháp luật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả lương, thưởng, lợi ích, giá trị hợp đồng trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư phù hợp với mặt bằng tiền lương theo ngành, nghề, lĩnh vực công việc tương ứng trên thị trường và được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ theo cách thức sau:
- Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư được thuê theo hình thức Hợp đồng lao động thì lương, thưởng, lợi ích được hạch toán vào chi phí và được tính vào giá thành sản phẩm. Các khoản chi phí này được bổ sung vào quỹ tiền lương của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý lao động, tiền lương;
- Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư được thuê theo hình thức Thuê khoán hoặc hợp tác tư vấn thì giá trị hợp đồng được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính vào giá thành sản phẩm;
- Trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước thì mức lương không vượt quá mức lương quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Nghị định quy định trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bảo đảm đủ mức lương và các khoản phụ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để đóng mức chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động như sau:
Đối tượng người lao động được hỗ trợ bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; người làm công tác cơ yếu làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
Mức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng phần chênh lệch giữa tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật cho các đối tượng trên so với mức tiền lương và các khoản phụ cấp mà thực tế doanh nghiệp trả thấp hơn, nhân với tỷ lệ phải nộp của người sử dụng lao động.
Thời gian hỗ trợ theo thực tế phát sinh hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định quy định rõ việc hỗ trợ khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được cấp có thẩm quyền giao thấp hơn 50% so với công suất thiết kế của dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh làm cho doanh nghiệp không đảm bảo chi trả đủ mức lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp;
- Các biến động về giá cả, tiền lương và các yếu tố chi phí khác không được điều chỉnh tác động đến hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh làm cho doanh nghiệp không đảm bảo chi trả đủ mức lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp;
- Hoàn thành sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh bằng hoặc cao hơn kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng cuối năm quyết toán tài chính khi cấp có thẩm quyền xác định quỹ lương thực hiện thấp hơn quỹ lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp;
- Trong trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp không đảm bảo chi trả đủ mức lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp.

Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU làm việc với các đơn vị phía nam
Kinhtedothi - Ngày 5/3, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU đối với các đơn vị ở khu vực phía nam tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.

Xây dựng chính sách đặc thù để công nghiệp quốc phòng phát triển đột phá
Kinhtedothi - Chiều 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan về kết quả nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong năm 2024, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Tiêu chí chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 12/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí đối với chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.