Tuy nhiên, gần 10 năm nay, cơ chế phong tặng, chế độ đãi ngộ nghệ nhân vẫn trong giai đoạn bàn bạc, mà không đưa ra được quyết sách.
Một đời nhọc nhằn
Trong mấy năm qua, cánh hát xẩm vẫn truyền tai nhau về cuộc đời cơ cực của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Từ khi 8 tuổi, bà đã phải mang chiếc thau đồng cùng cha mẹ hát xẩm rong để kiếm sống. 16 tuổi cô gái Hà Thị Năm (tên thật của nghệ nhân Hà Thị Cầu) trở thành người vợ thứ 18 của trùm xẩm Ninh Bình tên là Chánh Chương Mậu. Cuộc đời làm vợ bé cũng đầy cơ hàn. Sinh con đầu lòng vừa được 3 ngày, bà Năm đã phải trao con cho bà cả để mang thau, mang nhị ra chợ hát kiếm tiền. Ở với ông Mậu, sinh được 7 người con, nhưng 4 người mất vì nghèo không có tiền chữa bệnh. Rồi đứa con út tên Cầu bà vừa rứt ruột đẻ ra cũng phải cho đi ngay sau đó.
Các nghệ nhân ca trù vẫn chưa được đãi ngộ xứng đáng
Cái nghèo cứ bao quanh cả đời bà Năm. Hơn 80 năm hát xẩm, lúc xẩm bị thờ ơ, hắt hủi, bà vẫn một lòng sắt son để sáng tác bài xẩm để đời - "Theo Đảng trọn đời". Đến nay, nơi nơi chú tâm đến việc phục hồi xẩm, thì đời bà Cầu vẫn chẳng hết truân chuyên. Cả đời hát xẩm, đến lúc chết, gia đình bà vẫn là một trong những hộ nghèo nhất xã Yên Phong, huyên Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong ngày đưa bà về với tổ tiên, người ta vừa tiếc thương tài năng vừa khóc cho cảnh cơ cực của một đời nghệ nhân.
Trong lần về thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chúc ở thôn Ngãi Cầu, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không ít người chạnh lòng cho một người cả đời cống hiến với ca trù, nhưng lại cô đơn trong căn nhà bé nhỏ. Căn nhà 5 gian lợp ngói của bà Chúc nằm trong con ngõ cuối làng, hàng ngày vẫn rộn ràng tiếng phách truyền dạy ca trù cho lớp trẻ, nhưng tối đến lại côi cút trong ánh đèn hiu hắt. Hiện nay, cuộc sống của bà cũng chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi đi diễn ở các hội diễn và chương trình của giáo phường Thăng Long. Và không chỉ riêng bà Hà Thị Cầu, bà Nguyễn Thị Kim Chúc, mà trong số 297 nghệ nhân còn sống ở Việt Nam, còn rất nhiều mảnh đời nhọc nhằn như thế.
Báu vật bị lãng quên?
Hàng năm, Việt Nam đầu tư không biết bao nhiêu tiền cho việc tôn tạo và bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Thế nhưng, số tiền ít ỏi (chỉ khoảng vài chục triệu đồng/tháng) để giải quyết chế độ đãi ngộ cho 297 nghệ nhân đang ở tuổi "gần đất xa trời" vẫn còn bàn suốt 10 năm nay. Chính vì vậy, đến khi mất, số tiền duy nhất mà cụ Cầu nhận được cho danh hiệu nghệ nhân dân gian (NNDG) chỉ vẻn vẹn 700.000 đồng. Sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu mất, GS.TS Tô Ngọc Thanh thở dài tâm sự: "Từ cách đây rất lâu, chúng tôi đã đề nghị nên hỗ trợ cho các cụ NNDG cao tuổi mỗi tháng một khoản tiền và một thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một Bộ nào trả lời. Và 10 năm nay, Bộ VHTT&DL vẫn chưa ban hành nổi chế độ đãi ngộ cho NNDG. Dù biết cuộc sống của cụ Hà Thị Cầu khó khăn, thương cụ, nhưng chúng tôi chỉ có thể thỉnh thoảng thăm nom, biếu ít tiền gọi là đồng quà tấm bánh".
Trong liên hoan ca trù năm 2012, giữa rất nhiều quan chức, nhà nghiên cứu, nghệ nhân ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội), cụ Nguyễn Thị Khướu đã thốt lên đầy trách móc: "Các ông ấy cứ bảo chúng tôi nào là "báu vật nhân văn sống", rồi nghệ nhân này nghệ nhân nọ, chứ kỳ thực "có tiếng mà chẳng có miếng" đâu. Mỗi buổi biểu diễn, các cháu thiếu nhi được 5.000 đồng, còn già cả, nghệ nhân như tôi được trả thù lao 15.000 đồng, thế thì báu với bở gì".
Thực tế cấp thiết là vậy, nên ngày 7/3 vừa qua, lại thêm một lần Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên làm việc với Ban soạn thảo Nghị định về NNDG, nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, cuộc làm việc diễn ra trong vòng bàn bạc bí mật, nên khi phóng viên hỏi thông tin thời gian dự kiến Nghị định được soạn thảo hoàn tất, trình Chính phủ ban hành thì vẫn nhận được câu trả lời cần tiếp tục chờ, có thể trong tháng 3/2013, dự thảo Nghị định sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.