Tại kỳ họp thứ X HĐND khóa XVI của Hà Nội đã đưa ra quyết sách vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo động lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại: Ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của TP.
Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên thông qua chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nhưng trong tình cảnh những báu vật sống - nghệ nhân di sản đang dần vơi đi, sự hỗ trợ nơi có nơi không, thì mức phụ cấp này giúp nghệ nhân yên tâm và trách nhiệm hơn với việc bảo tồn phát huy giá trị di sản.
Bài 1: Báu vật sống mòn mỏi chờ đợi, di sản phai màu
Sau cả chục năm chờ đợi, năm 2014, Thủ tướng ký ban hành Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Những tưởng sau danh hiệu, cách ứng xử với di sản phi vật thể và chăm lo đời sống nghệ nhân sẽ khác. Nhưng sau tấm bằng của Nhà nước và một khoản thưởng nho nhỏ kèm bằng thì ngành văn hóa các địa phương vẫn còn loay hoay triển khai chính sách hỗ trợ để nghệ nhân tiếp tục cống hiến, các câu lạc bộ di sản có kinh phí để hoạt động, phát huy.
Nhiều nghệ nhân kêu cứu
Các NNƯT của tỉnh Kon Tum vừa kêu cứu. Bởi vì, 41/71 nghệ nhân của tỉnh được xét hỗ trợ theo Nghị định 109 năm 2015 của Chính phủ sẽ không còn được nhận hỗ trợ từ đầu năm 2023. Trong khi đó, các nghệ nhân này đều là những người thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.
Không còn cơ chế hỗ trợ 1.490.000 đồng/tháng khiến những nghệ nhân của tỉnh Kon Tum gặp khó khăn trong cuộc sống và cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ không mặn mà với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống các dân tộc.
Không chỉ có các nghệ nhân ở tỉnh Kom Tum, mà nghệ nhân ở Lao Cai, Yên Bái, Ninh Bình và nhiều tỉnh thành khác đều đang chật vật mưu sinh, chưa được nhận chế độ đãi ngộ để yên tâm cống hiến cho nghề.
Tính riêng từng loại hình, năm 2013, nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu người được mệnh danh là “Báu vật nhân văn sống”, “Người giữ hồn Xẩm”, “Nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” qua đời đã để lại khoảng trống rất lớn cho loại hình di sản này. Giới chuyên gia đã nhận định môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của hát Xẩm dần bị thu hẹp.
Thế hệ con cháu kế tục bà Cầu không ai sống còn vì xẩm theo kiểu “xẩm đầy” như cụ. Việc truyền nghề của Xẩm cũng tạo thách thức không nhỏ. Cùng nhận định về nguy cơ mai một, thất truyền của hát Xẩm, GS.TS Từ Thị Loan phân tích những khó khăn đối với việc bảo vệ hát Xẩm trong bối cảnh đương đại. Lớn nhất vẫn là sự hẫng hụt đội ngũ nghệ nhân thực hành và những người kế cận.
Các nghệ nhân hát Xẩm tài danh lần lượt ra đi, đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ từng lưu giữ và biểu diễn. Cũng chỉ bởi vì sau khi khóc thương cho cụ Hà Thị Cầu thì gần 9 năm các địa phương sở hữu loại hình di sản hát Xẩm cũng chưa có một chính sách đãi ngộ thỏa đáng để nghệ nhân tâm huyết truyền nghề cho thế hệ sau.
Có nhiều nghệ nhân cao tuổi ở Hà Nội gặp khó khăn
Hiện Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đứng đầu cả nước về số lượng. Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội gồm nhiều loại hình phong phú, đặc sắc: Lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian (ca trù, múa rối nước, rối cạn, hát chèo Tàu, trống quân), tri thức dân gian hay các phong tục, tập quán...
TP cũng dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu. Riêng trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ ba vào năm 2022, TP có 71 nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu, trong đó có 11 NNND, 60 NNƯT.
Vẫn còn nhớ năm 2015, 39 gương mặt nghệ nhân, mái đầu bạc trắng, lưng còng sát đất, nhưng vẫn lặn lội từ Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh… về Bảo tàng Hà Nội - nơi diễn ra lễ vinh danh NNƯT đầu tiên của Hà Nội để được nghe thấy tên mình.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu (ở thôn Chanh, huyện Phú Xuyên) khi ấy cũng đã bước vào cái tuổi gần 90 phải nhờ cháu nội, cháu ngoại cõng trên lưng để đến nhận tấm bằng công nhận. Thế mới thấy, nghệ nhân yêu di sản, hạnh phúc khi được tôn vinh.
Song, cũng từ lần đầu công nhận, rất nhiều nghệ nhân vẫn gặp khó khăn trong đời sống chưa nhận được chế độ đãi ngộ thường xuyên, các câu lạc bộ di sản hoạt động cầm chừng vì không có kinh phí. Điều này ảnh hưởng đến tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản.
Về phường rối Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) gặp ông Nguyễn Văn Dậu - Trưởng phường rối nước Chàng Sơn sẽ thấy việc giữ gìn di sản ở đây chỉ bằng tâm huyết nghệ nhân. Bởi vì, người giữ hồn cho rối Chàng Sơn cho rằng, nếu không phải cơ duyên là con cháu đời thứ 5 gắn bó với rối nước thì ông cũng không có đủ nguồn lực trăn trở cùng rối.
Mặc dù loại hình di sản này được biểu diễn các Festival, show diễn thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học nhưng vẫn không có đủ nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của phường rối. Các đạo cụ biểu diễn đã xuống cấp rất nhiều.
Việc tạo ra một bộ rối mới hoàn chỉnh cũng cần nguồn chi phí rất cao. Cùng đó, không ít những nghệ nhân đã phải bỏ nghề vì những khó khăn của cuộc sống. Còn lại số ít những nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông Dậu, muốn gắn bó với rối nước của Chàng Sơn thì đã bước sang tuổi xế chiều.
Chính vì vậy, việc Hà Nội ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với mong muốn của các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản như TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội... cùng đại diện các nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là thông lệ trên thế giới, bởi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống.
Việc có chính sách đãi ngộ, như mức phụ cấp thường xuyên hàng tháng giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, cảm thấy được động viên, khuyến khích, do đó yên tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Vẫn biết tôn vinh, đãi ngộ bao nhiêu cũng là không đủ với tấm lòng, công sức các nghệ nhân chia sẻ cùng di sản, nhưng việc ban hành Nghị quyết được HĐND rồi sớm triển khai trên thực tế là cách “chia ngọt sẻ bùi” với nghệ nhân, qua đó, góp phần thiết thực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.
Hiện nay, các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp dẫn đến thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập; thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của TP sẽ góp phần hiệu quả trong việc duy trì hoạt động của các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản.
Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh
(Còn nữa)