Chính sách miễn visa: “Át chủ bài” đón khách quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệu quả từ chính sách miễn visa cho du khách 6 nước châu Âu trong năm 2015 đã chứng minh: Không “ngoa” khi nói việc nới lỏng thị thực như “át chủ bài” vẫy gọi khách quốc tế.

Hiệu quả từ chính sách miễn visa cho du khách 6 nước châu Âu trong năm 2015 đã chứng minh: Không “ngoa” khi nói việc nới lỏng thị thực như “át chủ bài” vẫy gọi khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách visa của Việt Nam vẫn cần khắc phục nhanh những bất cập còn tồn tại để thu về lợi ích kép cho du lịch.

Kích cầu du lịch

Thủ tục làm visa lâu và rối là yếu tố lớn nhất gây tâm lý e ngại cho khách nước ngoài khi muốn khám phá Việt Nam. Vì thế, ngay khi quy định miễn visa đơn phương cho du khách 6 nước châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Belarus có hiệu lực (tháng 7/2015 – 6/2016), lượng khách du lịch đến từ các quốc gia này tăng đáng kể. Đặc biệt, thị trường Italia, Tây Ban Nha tăng 10%.

Theo Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Bùi Viết Thủy Tiên: “Là hãng lữ hành chuyên phục vụ khách châu Âu, tôi tin lượng khách đến từ 6 quốc gia được miễn thị thực sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi dịp hè chủ yếu thu hút được thị trường Italia và Tây Ban Nha, còn những thị trường khác thường chuộng “xê dịch” vào các mùa còn lại.

Mặt khác, khách hàng thường đặt tour trước khoảng nửa năm, nên phải sau 6 tháng khi chính sách này có hiệu lực, lượng khách mới tăng rõ nét”.  

 
Khách quốc tế làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Nội Bài
Khách quốc tế làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phạm Hùng)
Năm 2015, lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 3,4 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm gần 40% lượng khách quốc tế đến cả nước. Trong khi đó, khách nước ngoài đến Việt Nam tăng chưa đầy 1%. Theo đánh giá sơ bộ của các khách sạn từ 2 sao trở lên như: Grand Plaza, Inter Continental Hanoi Westlake, Fortuna Hà Nội, Golden Lakeside…, đa số khách quốc tế nghỉ tại các cơ sở lưu trú này đều là công dân của những quốc gia được Việt Nam miễn thị thực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… Nửa năm gần đây, khách Italia, Đức, Tây Ban Nha tăng gấp nhiều lần so với trước đó.

Còn những bất cập

Dù vậy, chính sách visa của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, ngoài 6 quốc gia châu Âu trên, Việt Nam mới chỉ miễn cấp thị thực cho 7 quốc gia là Nga, Nhật, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc, Phần Lan và 10 nước ASEAN. Trong khi đó, Singapore miễn thị thực cho công dân của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan miễn thị thực cho hơn 50 quốc gia… Họ còn ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua internet để kích cầu du lịch.

Phó Tổng Giám đốc khách sạn Grand Plaza Vũ Đình Tân cho biết: “Rất nhiều khách nghỉ lại khách sạn là người Hàn Quốc "nghiện" chơi golf, nhưng nước này có tới 6 tháng bị băng tuyết bao phủ không thể chơi môn thể thao này. Họ rủ nhau sang nước khác, trong đó có Việt Nam để thỏa mãn nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian thị thực cho người nước ngoài chỉ gói gọn trong 15 ngày không đủ để tổ chức một giải đấu khiến họ e dè khi lựa chọn Việt Nam”.

Bên cạnh đó, ông Peter Len - khách đến từ Bỉ chia sẻ: “Được nghỉ công tác một tháng, nhưng sau khi đi nhiều địa điểm vùng cao phía Bắc, dừng chân tại Hà Nội, 15 ngày được miễn visa của tôi cũng gần hết. Rất muốn ở lại Việt Nam, nhưng nếu thế phải đi xin visa và vẫn mất 45 USD, nên tôi quyết định trở về để sang Singapore”.

Một quy định khác cũng gây không ít phiền hà cho các “thượng đế” là khi đang ở Việt Nam, quá cảnh sang nước khác rồi nhập cảnh trở lại, phải xin thêm visa hoặc phải chờ ít nhất 30 ngày mới được tiếp tục miễn visa… Ông Tân ví von: “Việc miễn thị thực đã mở cánh cửa đón khách du lịch vào Việt Nam nhưng mới chỉ là mở hé. Cho nên những "ông nhỏ" đi vào, còn những "ông lớn" chưa muốn đi qua”. Đây là thiệt thòi lớn, vì những “ông lớn” đó mới thực sự là những người có mức chi tiêu “khủng”.

Vì vậy, ông Tân đề xuất, thời hạn thị thực nên kéo dài 30 ngày như một số quốc gia đã và đang áp dụng. Mặt khác, ngành du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng việc miễn visa cho một số thị trường tiềm năng, có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách visa mới chỉ là điều kiện cần. Muốn níu chân du khách, chúng ta cần xây dựng sản phẩm, nâng cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các “thượng đế”.