Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và nghỉ phép năm 2023

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/7/2023 người lao động có được tăng lương; khi ngừng đóng bảo hiểm xã hội thì có được đóng nối; người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng tiếp tục làm việc có được hưởng các chế độ; đi làm ngày nghỉ phép được trả bao nhiêu tiền lương…

Những nội dung trên đã được nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động hỏi trực tiếp các chuyên gia tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn, vệ sinh lao động” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức, chiều 12/5 tại Hà Nội.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của người lao động tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn, vệ sinh lao động”. 
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của người lao động tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn, vệ sinh lao động”. 

Từ ngày 1/7/2023, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng lương cơ sở từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng. Vậy người lao động làm việc tại các công ty môi trường đô thị hưởng lương theo đơn hàng đặt theo gói thầu của TP có được tăng lương? Về câu hỏi này, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng phản hồi: Lương của người lao động làm việc tại các công ty phụ thuộc vào thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cho Chính phủ quy định.

Lại có người lao động băn khoăn về việc khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội 5 năm, sau đó nghỉ việc một thời gian, bây giờ đi làm tại DN có được đóng tiếp bảo hiểm xã hội? “Khi người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng tạm  dừng và chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, bây giờ lại tham gia quan hệ lao động thì được tiếp tục đóng nối bảo hiểm xã hội, để sau này có cơ hội đủ điều kiện hưởng lương hưu” - Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời.

Luật sư Nguyễn Văn Hà cũng thông tin, trường hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động đã ký kết hợp đồng lao động, sau đó vì các lý do mà điều khoản trong hợp đồng lao động cần sửa đổi thì hai bên ký thêm phụ lục hợp đồng lao động, đã được quy định trong Bộ luật Lao động 2019.

Nhiều người lao động đã hỏi về chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và nghỉ phép năm 2023. 
Nhiều người lao động đã hỏi về chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và nghỉ phép năm 2023. 

Về trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tiếp tục làm việc thì có cần ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ, bà Vũ Minh Huyền – Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết: Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng đi làm thì quyền lợi vẫn được thể hiện trong giao kết hợp đồng lao động. Nếu người lao động có lương hưu thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Còn người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa có lương hưu thì vẫn có thể đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ như bình thường.

Do thiếu nhân sự làm việc nên có những công ty không thể giải quyết chế độ nghỉ phép cho người lao động, khiến nhiều người băn khoăn. Về việc này, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng cho biết: Nếu người sử dụng lao động không bố trí được ngày nghỉ phép cho người lao động và đồng ý cho người lao động đi làm vào những ngày nghỉ phép thì chi trả bằng tiền, với mức bằng 300% tiền lương theo hợp đồng lao động. Nhưng nhà nước không khuyến khích người lao động đi làm vào những ngày nghỉ phép để có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người lao động có đủ 12 tháng làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ phép 12 ngày/năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm được nghỉ phép 14 ngày/năm; người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại được nghỉ phép 16 ngày/năm.