Chính sách phải đột phá để điện ảnh thực sự trở thành ngành công nghiệp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sáng nay, 29/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Các ý kiến đề nghị, cần có các chính sách đột phát để phát triển điện ảnh, thực sự hình thành nền công nghiệp điện ảnh.

“Tiền kiểm” hay “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, so với Dự Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Dự Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Trong đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung thêm một số chính sách. Về phổ biến phim trên không gian mạng, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy  định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Trong phát biểu thảo luận sau đó, liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh - đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Đại biểu nhấn mạnh, một tác phẩm điện ảnh như một phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế, truyền thống văn hóa nước ta, thì việc học tập kinh nghiệm các quốc gia có thể chế chính trị khác cần hết sức cân nhắc, thận trọng. Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm cơ chế xử lý sau hậu kiểm để Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung thêm nhiều thông tin trong báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định phối hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, cần bổ sung vào Dự Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung đồng thời giao Bộ trưởng Bộ VHT&DL quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có dấu hiệu này phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng; các trường hợp khác, chủ thể phát hành phim tự quyết định phổ biến và chịu trách nhiệm.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, khoản 4 Điều 21 Dự Luật quy định: Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam có nghĩa vụ tương tự như tổ chức Việt Nam. Do đó, trường hợp Quốc hội quyết định “hậu kiểm” như Tờ trình của Chính phủ, cần tính đến yếu tố cạnh tranh của thị trường điện ảnh trong nước. Nên chăng cần có rào cản kỹ thuật đối với các tổ chức nước ngoài này. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, xác định trách nhiệm đối với các chủ thể này chặt chẽ hơn so với các tổ chức trong nước.

Quy định chung chung sẽ khó đi vào cuộc sống

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ. Theo đại biểu, chúng ta mong muốn thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, các quy định của chúng ta làm quá chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

 “Quan trọng tác phẩm đưa ra không vi phạm Điều 9 – những điều cấm của Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì chúng ta hoàn toàn đồng ý việc các cảnh quay tại Việt Nam được xuất hiện trong phim còn không nhất thiết phải quy định các vấn đề khác,…”- đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị vấn đề cấp phép, phân loại phim cần rà soát đảm bảo thủ tục chặt chẽ nhưng linh hoạt, tránh rườm rà, mất thời gian.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể. “Chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, nếu trong Dự Luật chưa làm rõ vấn đề này, nếu quy định chung chung như hiện nay thì rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống vì vậy đề nghị ban soạn thảo quan tâm đầu tư thêm để có áp dụng trong thực tiễn…”- đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) cho biết.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, quy định về chính sách nhà nước đối với điện ảnh chủ yếu tập trung vào quản lý hành chính, điều kiện phải thực hiện. Đại biểu đề nghị bổ sung theo hướng thực sự khuyến khích để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có sự đầu tư kịch bản; quy định rõ tiêu chí để hội đồng thẩm định có căn cứ thẩm định phim; giải trình rõ hơn về thủ tục thẩm định, cấp phép phân loại phim để phát hành; một số nội dung hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; cách dùng từ ngữ, phạm vi quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim; nghiên cứu bổ sung quy định về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi hơn. …

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là luật khó, có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu.

Đọc tiếp