Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách sát thực, đúng và trúng sẽ góp phần phục hồi kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi đón nhận thông tin Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cộng đồng DN rất phấn khởi. Tất cả đều mong rằng chính sách sớm được triển khai, phân loại rõ ràng đối tượng thụ hưởng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tạo thêm động lực
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Hoàng Trung Dũng - Chủ tịch Học viện Kingsman, Chủ tịch Công ty Rosa Bonita khẳng định, hoạt động kinh doanh của DN trong thời kỳ dịch không bị ảnh hưởng quá nhiều do đã sớm chủ động đa dạng hoá kênh phân phối, thực hiện chuyển đổi số nên vẫn đảm bảo doanh thu và hạn chế chi phí nhân sự, chi phí marketing... không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, do DN phân phối hàng nhập khẩu nên bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí vận tải, lưu kho bãi, tỷ giá hối đoái lên cao, chưa kể gặp nhiều khó khăn mở rộng thị trường do giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc khiến doanh thu, lợi nhuận đều giảm sút.
TS. Hoàng Trung Dũng - Chủ tịch Học viện Kingsman, Chủ tịch Công ty Rosa Bonita. Ảnh: Khắc Kiên
“Tôi đánh giá rất cao chủ trương hỗ trợ DN nhỏ và vừa không chỉ Rosa Bonita mà các DN trong diện cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chủ trương này thông qua các chính sách về đảm bảo tỷ giá, ưu đãi cước phí vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...” – ông Hoàng Trung Dũng nói. Đồng thời cho biết, người lao động cũng mong nhận được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm thuế môn bài trong trường hợp đăng kí hộ kinh doanh cá thể... Có vậy, sẽ tạo thêm động lực để DN và người lao động cùng gắn bó vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nếu cứ mong chờ đồng nghĩa nhụt chí
Aligro là một trong những doanh nghiệp may mặc sử dụng nhiều lao động ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh
Là DN có đông lao động đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh may mặc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Aligro Hoàng Linh chia sẻ, trong lúc dịch bệnh DN tập trung kiện toàn bộ máy, tăng cường tiết giảm các chi phí lãng phí, lãng công, quyết liệt thực hiện mục tiêu duy trì và đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng và không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, DN đã cố gắng hết sức nhằm duy trì việc làm cho mọi người, không sa thải, không giảm lương của bất cứ ai (trừ 1 - 2 nhân sự không cố gắng, nỗ lực và ý thức kém trong công việc và phòng chống dịch); Lương, thưởng vẫn trả đủ và đúng ngày để nhân viên lo trang trải cho gia đình…
Bên cạnh đó, Aligro vẫn tăng cường tìm kiếm mặt bằng phù hợp với năng suất chất lượng, tạo việc làm cho người lao động bị nghỉ việc ở một số DN dừng hoạt động. “Dù rất khó khăn nhưng ban lãnh đạo vẫn cố gắng bằng nhiều biện pháp để mọi hoạt động diễn ra bình thường. Do đó, rất may mắn là sự tập trung và quyết liệt đã giúp DN nhận được nhiều hợp đồng của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, giúp cho DN không bị rơi vào tình trạng thiếu việc” – ông Hoàng Linh cho biết thêm.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Aligro Hoàng Linh. Ảnh: Khắc Kiên
Về phía người lao động, toàn bộ nhân sự của Aligro cố gắng hết mình với công việc, cùng với nỗ lực không ngừng và thay đổi cách làm, từ ofline chuyển sang làm việc online, nhất là khối nhân viên cửa hàng và khối kinh doanh.
Cũng có nhiều cán bộ, nhân viên đưa ra ý kiến xin giảm lương thưởng để DN đảm bảo duy trì, nhưng hiện tại công ty chưa thấy cần thiết. Về những gói hỗ trợ của Chính phủ, DN thấy rất cần thiết nhưng cần đúng đối tượng. Bản thân Aligro khó khăn nhưng phải tự lo, nếu cứ mong chờ đồng nghĩa nhụt chí… DN cố gắng tự nỗ lực là chính và có chăng chỉ mong được giảm lãi suất vay, giảm bảo hiểm…
Phân loại để thực chất
Phó Chủ tịch Công đoàn Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Hoàng Phúc Long cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN cần được thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và thực chất, phù hợp với nhu cầu của DN.
Muốn vậy cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí rõ ràng, đặc biệt đối với các DN đang sử dụng đông lao động, có tính chất đặc thù. Về phía người lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương… nên được ưu tiên hàng đầu và phải thực hiện với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Với chủ trương này, cả chủ DN lẫn người lao động đều đang rất kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy vực dậy nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Công đoàn Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Hoàng Phúc Long. Ảnh: Nguyên Dương
Bà Vũ Lam (Công ty CP May và Dịch vụ Hưng Long) cho biết, dịch bệnh Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, không chỉ DN bị ảnh hưởng mà tác động trực tiếp tới đời sống của người lao động.

Do đó, chủ trương hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động với nhiều giải pháp sẽ bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mong rằng chính sách sẽ sát thực, sớm được triển khai đến với đúng đối tượng được thụ hưởng, góp phần đạt được mục tiêu đề ra. Điều đó cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí, ổn định cuộc sống cho người lao động.