Chính sách sát thực sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các ý kiến, nhất là kết luận trúng và đúng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời cũng mong rằng ngoài nỗ lực bản thân doanh nghiệp, các giải pháp sớm đi vào thực tiễn.

Cộng đồng nữ doanh nhân trong một chuyến làm thiện nguyện tại Hòa Bình khi chưa có dịch Covid-19.
CEO Lê Dung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup:
Ưu tiên hỗ trợ với doanh nghiệp nữ làm chủ
Nhìn nhận sự kiện được tổ chức rất kịp thời, sát thực với mong mỏi của doanh nghiệp. Song, DN mong có chính sách giảm thuế thu nhập; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tăng thời hạn hỗ trợ cho DN.
CEO Lê Dung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup.
Đồng thời, giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Bên cạnh đó, nên giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hình dịch vụ như: Du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh này.
Về đối tượng được giảm thuế thu nhập DN nên mở rộng ra các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều DN đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh.
Thực tế tại các DN, chi phí phòng chống dịch bệnh quá lớn, DN không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của DN đang bị ăn mòn dần. Do đó, nên có chính sách hỗ trợ DN các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16, thanh khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
Đặc biệt, đề xuất Chính phủ quan tâm hơn, thông qua chính sách và sự hỗ trợ đối với lực lượng nữ làm chủ DN. Vì với tình hình dịch như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đều khó, thì lực lượng DN có nữ làm chủ sẽ khó hơn...  Bởi họ vừa duy trì hoạt động của DN, vừa chăm lo quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái... mất rất nhiều thời gian. Do đó, việc xem xét ưu tiên cho các đối tượng DN do nữ làm chủ cũng là nguồn động viên để họ vượt qua khó khăn.
Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh:
Xem xét cho doanh nghiệp được tự nhập khẩu test nhanh
Tôi nhận thấy rằng Chính phủ đã nhận định việc phòng chống dịch luôn phải tuân thủ nguyên tắc xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine và đặc biệt là nâng cao ý thức người dân, trách nhiệm của DN, khu công nghiệp và các địa phương trên từng địa bàn trong cả nước.
Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh.
Nhưng theo Thủ tướng, siết chặt trong phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể. Nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất... Các đại biểu dự hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Các ý kiến về khó khăn của DN trong ngành Du Lịch , dịch vụ vận tải Logictics , thuế TNDN, thuế đất, BHXH, giảm lãi xuất ngân hàng, vốn vay hỗ trợ cho DN đều được DN đưa ra và trình Chính phủ, mong muốn Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ DN kịp thời để phục hồi và phát triển kinh tế.
Về công tác chống dịch, DN mong muốn Chính phủ cho phép DN được tự nhập khẩu test nhanh, đề nghị Bộ Y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày, hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để giảm chi phí cho DN.
Chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chủ động công khai thông tin về chiến lược, đưa ra các chính sách phòng, chống dịch phải phù hợp tương ứng với các tình huống thực tiễn để DN nắm bắt kịp thời, chủ động điều chỉnh trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời Chính phủ có thể mạnh dạn cân nhắc có thêm gói hỗ trợ mới để cùng DN cả nước thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế và phát triển xã hội.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh:
Mong nới lỏng các hoạt động kinh doanh
Do diễn biến ngày càng phức tạp của Covid-19, khiến cho hoạt động của nhiều DN bị ảnh hưởng. Việc đóng cửa, cắt giảm nguồn lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất của DN gây ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, tăng trưởng của DN.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh.
Để hoạt động sản xuất của DN ảnh hưởng ở mức thấp nhất, DN mong muốn Chính phủ phân bổ vaccine một cách hợp lý, ưu tiên người lao động, như vậy việc sản xuất của DN sẽ giảm nguy cơ bị đình trệ do dịch.
Bên cạnh đó, điều chỉnh lại việc phân xe luồng xanh cho các DN một cách hợp lý, để hàng hoá được lưu thông một cách dễ dàng, tránh không bị tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Tiệm cận các nguồn vaccine để đẩy nhanh việc tiêm phòng toàn dân tạo ra miễn dịch cộng động, từ đó hạn chế được việc xét nghiệm nhiều lần, tại nhiều điểm gây mất thời gian và ùn tắc giao thông tại các điểm xét nghiệm.
Ngoài ra, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc phòng chống dịch, đặc biệt về quy định 5K, hạn chế thấp nhất việc tăng các ca nhiễm trong cộng động, sau đó nới lỏng các hoạt động kinh doanh tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và DN được hoạt động bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần